Trong một mối quan hệ lãng mạn, không chỉ có hoa và nến. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng có những khó khăn riêng. Nếu chúng ta chấp nhận rằng, “nửa kia” của mình cũng sẽ có lúc không như ta mong đợi thì thực tốt. Nửa kia của ta cũng có lúc không đồng ý, không hài lòng. Cũng có khi nửa kia không đáp ứng được các nhu cầu của ta. Khi đó, ta sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra “tiếng nói chung”. Cũng như dễ nhìn ra giải pháp để giúp duy trì cho “sức khỏe tốt của mối quan hệ.” Thực tế hầu như lại không như thế, luôn tồn tại trong các cặp đôi những bất đồng và sự xung đột. Vậy, làm thế nào để giải quyết chúng và trở nên hòa hợp hơn? Bạn hãy cùng HappyMind tìm hiểu về chủ đề này ngay sau đây nhé!
1. Nguyên nhân xung đột
Trước khi bàn đến chuyện giải quyết xung đột, chúng ta cần xác định được nguyên nhân.
Trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, thực tồn tại rất nhiều lý do dẫn đến xung đột. Sự khơi nguồn phần lớn là những sự khác biệt giữa cả hai cá nhân. Vì vậy, việc thấu hiểu, tôn trọng nét riêng của nhau có thể giúp bạn dễ thông cảm hơn cho “nửa kia” của mình. Điều này cũng góp phần làm giảm những xung đột không đáng có.
Có rất nhiều sự khác biệt giữa 2 cá nhân trong mối quan hệ cặp đôi, HappyMind xin liệt kê 2 ý cơ bản sau:
1.1. Sự khác biệt về giới
Nhà tâm lý học John Gray có một cuốn sách rất nổi tiếng về vấn đề này chính là cuốn “Đàn ông đến từ sao Hoả, đàn bà đến từ sao Kim“. Tác giả đã đã nêu lên nhiều sự khác biệt ở cả hai giới. Ví dụ như khi trò chuyện, phụ nữ mong muốn được nói ra và được thấu hiểu, được lắng nghe. Trong khi đó, đàn ông có xu hướng đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Điều này lắm khi làm cho cả hai có những xung đột. Đôi bên dễ có cảm giác đối phương chưa hiểu mình muốn gì. Vì vậy, việc tìm hiểu về sự khác biệt của hai giới có thể giúp bạn dễ dàng chấp nhận đối phương hơn. Qua đó, giúp ta tìm ra cách ứng xử phù hợp hơn.
1.2. Sự khác biệt về quan điểm, văn hoá, xã hội
Khi yêu ai cũng có mong muốn được hoà hợp với người mình yêu. Tuy nhiên, mỗi người là một cá thể riêng biệt để được sinh ra và lớn lên ở các môi trường khác nhau. Mỗi cá nhân đều được thụ hưởng nền giáo dục, văn hóa và có những trải nghiệm khác nhau. Vì thế, rất cần sự cởi mở, hiểu biết, khả năng lắng nghe và lòng tôn trọng. Nhờ đó, 2 cá nhân có sự thấu hiểu lẫn nhau thật sự. Như thế, mối quan hệ sẽ thêm phần thăng hoa.
2. Cách nhìn về xung đột
Xung đột không phải lúc nào cũng mang màu tiêu cực. Sự khác biệt, bất đồng trong mối quan hệ là những thách thức. Nhưng, nó cũng có thể là yếu tố khuyến khích sự phát triển, hiểu biết sâu sắc hơn. Điều này cũng giúp cải thiện giao tiếp. Đồng thời, nó tạo động lực cho cả hai cùng tiến đến chung một mục tiêu. (McNulty, 2017; Tatkin, 2012).
Tuy nhiên, không phải là lúc nào cũng như vậy. Khía cạnh quan trọng nhất của xung đột sẽ ảnh hưởng đến “sức khỏe“ của một mối quan hệ là cách mà cặp đôi giải quyết vấn đề của họ. Vì, sẽ luôn có sự bất đồng và khác biệt về quan điểm ở hai người trong một mối quan hệ. Để tránh mất lòng tin và tránh những hành vi làm tổn hại đến sự thân mật của mối quan hệ, “cặp đôi sẽ cần bảo rằng giải pháp. Và giải pháp mà họ chọn không để lại tổn thương hoặc oán giận kéo dài ở một hoặc cả hai” (Grieger, 2015 , tr. 161).
Nhà tâm lý học lâm sàng Russell Grieger (2015) gợi ý rằng, những bất đồng có thể có bốn kết quả:
2.1. Kết quả là tốt cho người đầu tiên, nhưng không tốt cho người thứ hai
Đây là một tình huống cho những cuộc cãi vã có kết cuộc thắng thua. Khi một người có được thứ họ muốn, trong khi người kia thì thất bại và có thể cảm thấy bị tổn thương, tức giận hoặc uất ức. Những cảm giác như vậy có thể dẫn đến sự kém hài lòng trong một mối quan hệ. Hoặc chúng làm tổn hại đến một nhu cầu nào đó của “nửa kia”.
2.2. Kết quả có lợi cho người thứ hai, nhưng không có lợi cho người đầu tiên
Điều này tương tự có thể xảy ra như kết quả đầu tiên. Nó chỉ khác ở lần này là người đầu tiên trong mối quan hệ bị cản trở hoặc bị xem nhẹ (tình huống xung đột có kết quả thua – thắng).
Hai kết quả như trên chắc cũng không hề xa lạ gì với chúng ta, điều mà ít nhiều chúng ta cũng từng mắc phải trong mối quan hệ cặp đôi của mình. Lối tư duy như “tôi không sai, cô ta sai” vẫn thường tồn tại. Hoặc “ủa anh ta là con trai mà, anh ta phải xin lỗi tôi chứ” là suy nghĩ cũng khá phổ biến. Để có một mối quan hệ hài lòng, đôi khi ta cần hiểu rằng, nơi đó tồn tại cảm xúc mà cả hai đều phải cùng cảm thấy hạnh phúc. Một mối quan hệ “win – win” là tốt nhất. Trong đó, cả hai đều cùng có lợi, có sự hài lòng về nhau.
2.3. Kết quả tồi tệ cho cả hai người
Lựa chọn thứ ba là kết quả không tốt cho cả hai người. Ở lựa chọn này, họ đều phải đối mặt với mất mát (tình huống xung đột có kết quả thua – thua). Thường là kết quả của sự ngoan cố, bảo thủ của cả hai bên khi không muốn bên kia ‘thắng’. Vì vậy, cả hai sẽ không có ai lựa chọn nhượng bộ. Một lần nữa, điều này có hại cho mối quan hệ. Và, nếu tiếp tục hoặc lặp đi lặp lại, cuối cùng sẽ trở nên độc hại.
2.4 . Một giải pháp được tìm thấy là phù hợp cho cả hai người
Cặp đôi hoặc đối tác làm việc hướng tới một giải pháp có lợi như nhau và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi. Ở đó, không ai bị bỏ rơi và có cảm giác bị đánh bại hoặc bị tổn thương. Họ cảm thấy được đón nhận, an toàn và ngày càng tin tưởng vào mối quan hệ.
Không nghi ngờ gì nữa, lựa chọn thứ tư là lý tưởng nhất cho một mối quan hệ tình cảm lâu dài và lành mạnh. Dù trước những xung đột, họ luôn sẵn lòng đối thoại, giải quyết. Và, kết quả đôi bên cùng có lợi dẫn đến sự phát triển và tiến lên phía trước.
2.5. 4 bước để giải quyết các xung đột cặp đôi
Grieger (2015) sử dụng quy trình 4 bước đơn giản. Tuy nhiên, cách này rất quả giúp các cặp đôi xử lý xung đột rắc rối dễ dàng hơn. Nhờ đó, có thể cùng nhau vượt qua những khác biệt cá nhân:
Bước 1 – Loại bỏ những xáo trộn trong mối quan hệ
Trước tiên, điều quan trọng là phải loại bỏ hoặc ít nhất là giảm bớt những cảm xúc gây cản trở việc giải quyết xung đột. Cảm xúc gây cản trở chẳng hạn như tổn thương, tức giận và oán giận. Nếu không, một trong hai bên khó có thể kiên nhẫn lắng nghe những gì bên kia đang nói.
Bước 2 – Cam kết đạt được giải pháp đôi bên cùng có lợi
Mỗi bên phải cam kết tìm ra giải pháp phù hợp với cả hai bên. Một bên thắng trong khi bên kia thua là không thể chấp nhận được. Cặp đôi cần duy trì động lực và cởi mở để thay đổi và cùng phát triển.
Bước 3 – Áp dụng sự lắng nghe có mục đích
Một giải pháp đôi bên cùng có lợi sẽ dễ xảy ra hơn khi mỗi đối tác có thể lắng nghe tích cực. Mỗi cá nhân cần có khả năng lắng nghe. Lắng nghe có mục đích để có thể đạt đến sự thấu hiểu, sự cảm thông, tránh bình phẩm hay phán xét. Một khi cả hai có sự hiểu biết chung, một giải pháp đôi bên cùng có lợi là hoàn toàn khả thi.
Bước 4 – Thực hiện cùng nhau
Cặp đôi có thể tiến tới việc xác định một giải pháp khả thi. Loại bỏ mọi “ô nhiễm” cảm xúc. Áp dụng tư duy đôi bên cùng có lợi và hoàn thành giải pháp mà đã hai đã xác định trước đó.
Để duy trì một mối quan hệ lãng mạn đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Quan trọng là cả hai cần biết cách đối thoại, lắng nghe, thấu hiểu. Đồng thời, cả hai nên cùng tìm ra giải pháp để giải quyết cho những vấn đề gặp phải. Đương nhiên trong quá trình này cả hai cần phải xác lập một mối quan hệ công bằng, bình đẳng, tôn trọng. Cũng như đôi bên đều cần biết quan tâm tới lợi ích của đối phương. Có như vậy, mối quan hệ mới có thể lâu dài và hạnh phúc.
BBT HappyMind tổng hợp
HappyMind dành lời chúc cho các cặp đôi đang yêu nhau đều có khả năng vượt qua mọi “chướng ngại vật”. Nếu bạn có bất kỳ khó khăn nào trong mối quan hệ mà không thể giải quyết được, hãy liên hệ với các chuyên gia tâm lý của HappyMind nhé. Chắc chắn bạn sẽ được giúp đỡ, tháo gỡ nỗi lòng và làm cho mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn.
📩 Email: info@happymind.vn
☎ Phone: +84-839 027720
Tham khảo:
- Caddell, J. (2013). Your best love: The couple’s workbook and guide to their best relationship.
- Grieger, R. (2015). The couples therapy companion: A cognitive behavior workbook; Routledge, Taylor & Francis Group.
- Jeremy, S. (2021). Conflict Resolution in Relationships and Couples: 5 Strategies