1. Rối loạn giao tiếp xã hội là vấn đề về giao tiếp chứ không liên quan đến khả năng nói chuyện
Những người bị rối loạn giao tiếp xã hội gặp khó khăn trong việc tuân theo các “quy tắc” giao tiếp bằng lời nói. Họ có thể không hiểu, hiểu sai hoặc không nắm bắt được ý nghĩa của một cuộc giao tiếp cũng như không nắm được bối cảnh của câu chuyện. Chính vì vậy, họ thường làm gián đoạn rất nhiều hoặc thậm chí chiếm lĩnh cả cuộc trò chuyện theo ý và theo cách của mình. Một số người thì nói lạc đề trong khi người khác lại rất ngại nói chuyện.
Những thách thức này khiến việc kết nối với mọi người ở trường, chỗ làm hoặc môi trường xã hội trở nên khó khăn. Điều đó có thể khiến người mắc SCD trở nên ngày càng tự ti.
Rối loạn giao tiếp xã hội là tình trạng kéo dài suốt đời, nhưng có thể được cải thiện bằng một số biện pháp can thiệp.
Hình: Rối loạn giao tiếp xã hội là vấn đề về giao tiếp. Ảnh Pixabay
2. Biểu hiện của rối loạn giao tiếp xã hội
Các dấu hiệu của rối loạn giao tiếp xã hội có thể xuất hiện từ thời thơ ấu. Trên thực tế, việc có triệu chứng sớm là một tiêu chí để chẩn đoán tình trạng này.
Trẻ nhỏ có khả năng gặp chậm trễ trong các cột mốc giao tiếp xã hội như sử dụng âm thanh hoặc cử chỉ để chào hỏi mọi người. Chúng cũng có xu hướng ít quan tâm đến việc tương tác xã hội. Tuy nhiên, gia đình và giáo viên có thể không nhận ra các dấu hiệu cho đến sau này.
Một số dấu hiệu của rối loạn giao tiếp xã hội có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi gồm:
Gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói hoặc không lời
Không giới thiệu những thông tin cơ bản về bản thân khi trò chuyện với người lạ
Không sử dụng lời chào thích hợp cho một ngữ cảnh cụ thể
Gặp khó khăn trong việc kết nối cuộc giao tiếp với bối cảnh diễn ra nó
Gặp khó khăn trong việc hiểu các quy tắc trò chuyện
Chỉ hiểu mọi thứ theo nghĩa đen, không có ý niệm về cách nói mỉa mai, châm biếm hay trêu chọc. Nói cách khác, người bị rối loạn giao tiếp xã hội gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu những điều được ngụ ý và không được nêu rõ ra trong một câu chuyện
Gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các tín hiệu xã hội như nét mặt
Hình: Gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu những ngụ ý là một trong các dấu hiệu liên quan rối loạn giao tiếp. Ảnh Pixabay
Hạn chế trong giao tiếp
Những hạn chế về giao tiếp và kỹ năng xã hội của một người ảnh hưởng đến cuộc sống của họ theo những cách khác nhau. Ví dụ như: ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ bạn bè, gia đình và xã hội hoặc kết quả học tập
Các triệu chứng biểu hiện sớm trong quá trình phát triển
Triệu chứng của rối loạn giao tiếp xã hội xuất hiện khá sớm nhưng có khả năng không được chú ý hoặc bị nhầm lẫn với một tình trạng nào khác. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể không biểu hiện rõ ràng cho đến khi trẻ đạt đến độ tuổi mà mức độ giao tiếp xã hội dự kiến vượt quá khả năng hiểu và giao tiếp của chúng
Một người chỉ được chẩn đoán mắc rối loạn giao tiếp xã hội nếu họ có khả năng nói và hiểu ngôn ngữ. Những đứa trẻ/ những người không bao giờ làm được việc đó sẽ cần một chẩn đoán khác. Do đó, hầu hết trẻ em được chẩn đoán mắc SCD ở độ tuổi 4 hoặc 5 hơn là ở giai đoạn sơ sinh hay tập đi.
Để chẩn đoán về SCD, các nhà trị liệu ngôn ngữ nói sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Những phương pháp này nhằm xem xét kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cũng như phi ngôn ngữ của một người trong các môi trường khác nhau. Họ có thể quan sát người được chẩn đoán trong các môi trường khác nhau đó để đưa ra đánh giá chính xác.
Hình: Để chẩn đoán về SCD, các nhà trị liệu ngôn ngữ nói sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Ảnh Pixabay
3. Nguyên nhân gây ra rối loạn giao tiếp xã hội
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu được nguyên nhân tại sao một người lại bị rối loạn giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, tình trạng này thường xảy ra cùng với một số điều kiện khác, ví dụ như chứng tự kỷ, khó đọc, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), và rối loạn ngôn ngữ. Để đi sâu vào vấn đề giao tiếp, điều quan trọng là cần xem xét những điều gì khác có thể đang cùng diễn ra.
Rối loạn giao tiếp xã hội không liên quan đến trí thông minh. Người bị SCD cũng có thể thông minh như những người khác, nhưng vấn đề về giao tiếp có thể tạo ra cho họ những thách thức ở trường, chỗ làm và trong cuộc sống hàng ngày.
4. Rối loạn giao tiếp xã hội có phải là tự kỷ
Người bị rối loạn giao tiếp xã hội gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu được các chuẩn mực cũng như giao tiếp xã hội.
Các triệu chứng của SCD thường xuất hiện sớm ở thời thơ ấu, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể nhận thấy con họ tỏ ra ít quan tâm đến việc giao tiếp với người khác. Những biểu hiện như chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu hứng thú đối với các trò chơi giả vờ, hay không bắt đầu tương tác xã hội với người khác ở trẻ khiến người lớn lầm tưởng đây là các dấu hiệu ban đầu của chứng tự kỷ.
Hình: Các triệu chứng của SCD thường xuất hiện sớm ở thời thơ ấu, dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu ban đầu của tự kỷ. Ảnh Pixabay
SCD có thể có một số biểu hiện gần giống với chứng tự kỷ, nhưng không phải là tự kỷ. Nó không gây ra những hạn chế về sở thích, hành vi lặp lại, lo lắng hoặc sự khác biệt về cảm giác.
Mặc dù chứng tự kỷ cũng khiến một người gặp khó khăn trong các tình huống xã hội nhưng nó cũng gây ra các triệu chứng khác. Vì vậy, những người bị SCD không đáp ứng được tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng phải loại trừ hội chứng này trước khi chẩn đoán SCD.
Rối loạn giao tiếp xã hội là một là một hội chứng khá phức tạp, vì nó có khả năng gây lầm lẫn với những hội chứng khác, đặc biệt là tự kỷ. Vì vậy, việc đánh giá và chẩn đoán SCD cần được thực hiện cẩn thận và kĩ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia. Có như vậy, thì việc đưa ra các phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ mới đạt được hiệu quả.
BBT HappyMind tổng hợp
Nguồn tham khảo:
1.Gail Belsky, What is social communication disorder? Understood.org
2. Lori Lawrenz, PsyD, Zawn Villines, 2022, What to know about social communication disorder, Medicalnewstoday.com