Giao tiếp giữa mọi người đã tồn tại lâu đời, dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử con người. Theo thời gian, chúng ta đã hoàn thiện việc sử dụng ngôn ngữ, giúp cho quá trình giao tiếp được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có những điều chúng ta có thể làm để cải thiện khả năng giao tiếp của mình, đó là việc ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp.
1. Ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp thể hiện qua khía cạnh tâm lý học nào
Chúng ta biết rằng tâm lý học là lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, hầu như đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Tâm lý học được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, trong kinh doanh và đặc biệt là trong giao tiếp. Ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp được thể hiện qua khả năng cải thiện khả năng giao tiếp và khiến nó hấp dẫn hơn. Điều này đặc biệt rõ ràng đối với lĩnh vực tâm lý học nhận thức.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tâm lý học nhận thức là nhánh tâm lý học khám phá hoạt động của các quá trình tư duy liên quan đến nhận thức, chú ý, suy nghĩ, ngôn ngữ và trí nhớ, chủ yếu thông qua suy luận từ hành vi.
Điều này có nghĩa là tâm lý học nhận thức nghiên cứu cách chúng ta:
-Nhận thức
-Suy nghĩ
-Hiểu
-Ghi nhớ
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có thể ứng dụng và tận dụng tối đa tâm lý học nhận thức để cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Hình: Chúng ta có thể tận dụng tối đa tâm lý học nhận thức để cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Ảnh Pixabay
2. Ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp như thế nào
Chúng ta hãy cùng làm rõ hơn về việc ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp, cụ thể là tâm lý học nhận thức. Có một số điểm nổi bật để chúng ta áp dụng vào giao tiếp, đó là:
2.1. Những ấn tượng đầu tiên
Ấn tượng đầu tiên có ý nghĩa như thế nào đối với việc ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp?
Lấy một ví dụ để làm rõ vấn đề này: khi gặp ai đó lần đầu tiên, chúng ta có xu hướng hình thành “đánh giá ấn tượng đầu tiên” về người đó. Chúng ta có thể dựa vào vẻ bề ngoài, thái độ, cử chỉ-những thông tin ít ỏi ban đầu để đưa ra đánh giá của riêng mình về người đó, và đánh giá này có xu hướng tồn tại lâu dài.
Giao tiếp cũng tương tự như vậy.
Khi bạn thể hiện một ý tưởng, chia sẻ suy nghĩ hoặc thuyết phục ai về điều gì đó, họ có thể sẽ ghi nhớ rất lâu những thông tin bạn đưa ra lúc đầu.
Bạn có thể sử dụng nguyên tắc này để làm cho bài thuyết trình, bài phát biểu hoặc cuộc phỏng vấn của mình thành công hơn, bằng cách:
-Mở đầu với những thông tin quan trọng nhất
-Chia sẻ ý kiến của bạn ngay từ đầu và giải thích sau đó
-Lặp lại điều quan trọng khi kết thúc
Cách trình bày trên sẽ đảm bảo quá trình giao tiếp thành công hơn vì khán giả của bạn sẽ ghi nhớ chính xác những gì bạn muốn họ ghi nhớ.
2.2. Khoảng chú ý
Chú ý là khả năng chúng ta:
-Khám phá ra mọi thứ trong môi trường xung quanh
-Chọn ra những gì cần tập trung vào
-Cố gắng bỏ qua những gì chúng ta thấy không hữu ích tại một thời điểm nhất định
Khoảng chú ý là khoảng thời gian mà một người có thể duy trì suy nghĩ và sự quan tâm của mình vào một điều gì đó.
Trong giao tiếp, điều quan trọng là phải theo dõi mức độ chú ý của người nghe để dựa vào đó truyền tải thông điệp bạn muốn. Đây là biểu hiện rõ ràng của việc ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp.
Vậy thì người nghe có thể theo kịp bạn trong bao lâu? Liệu họ có thể phát hiện ra tất cả những điểm quan trọng trong cuộc trò chuyện không? Bài thuyết trình của bạn sẽ thành công chứ?
Để đảm bảo được những yếu tố trên, bạn cần:
-Mở đầu rõ ràng, khơi gợi sự quan tâm của người nghe
-Cho người nghe biết bạn định nói gì với họ nhưng đừng nói cụ thể vội
-Xây dựng con đường dẫn đến điểm trọng yếu bằng cách khơi mở sự dự đoán
-Nhấn mạnh điểm chính bằng giọng nói và cả ngôn ngữ cơ thể bạn
Bạn cần khiến khán giả quan tâm và hứng thú, thu hút sự chú ý của họ và giúp họ tập trung.
Hình: Theo dõi mức độ chú ý của người nghe để truyền đạt thông điệp bạn muốn. Ảnh Pixabay
2.3. Sự trôi chảy trong thức
Giao tiếp hiệu quả không phải là việc chúng ta có thể thành công trong một đêm. Nó đòi hỏi ta phải lập kế hoạch chiến lược, thực hành và hiểu biết một nguyên tắc khác của tâm lý học nhận thức, đó là sự trôi chảy trong nhận thức. Đây là cách nói để chỉ khả năng một người dễ dàng tiếp nhận thông tin, hiểu và xác định ý nghĩa của thông tin đó.
Sự nhận thức lưu loát sẽ giúp chúng ta cải thiện khả năng giao tiếp, đặc biệt là bằng văn bản. Cụ thể nó sẽ giúp chúng ta:
Trong giao tiếp bằng văn bản
-Xây dựng một văn bản với cấu trúc thông tin rõ ràng, dễ hiểu
-Sử dụng phông chữ dễ đọc
-Viết theo lối dễ đọc
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một đoạn văn bản dễ đọc thì nó cũng dễ hiểu. Ngoài ra, mọi người cũng có xu hướng tin vào một thông điệp nếu họ dễ dàng hiểu được nó.
Trong giao tiếp nói
-Nói trôi chảy và bình tĩnh, không bị gián đoạn
-Làm cho thông tin dễ tiêu hóa hơn
-Sự tự tin giúp tăng tính thuyết phục của thông điệp
-Làm cho thông tin trở nên dễ tiếp cận
Nguyên tắc về ứng dụng nhận thức này là một hình thức ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp hiệu quả giúp bạn thuyết phục người nghe/ người đọc, rằng những gì bạn đang nói là những gì họ nên tin.
Hình: Sự nhận thức trôi chảy sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp cả bằng văn bản lẫn lời nói. Ảnh Pixabay
2.4. Tính thuyết phục
Khi mục tiêu của việc giao tiếp với ai đó là thuyết phục họ thực hiện những hành động mà bạn mong muốn, thì bạn phải nỗ lực rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu này.
Việc thuyết phục mọi người làm theo những gì bạn nói sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, thậm chí còn rất khó khăn. Tuy nhiên, khi ứng dụng tâm lý học, cụ thể là tâm lý học nhận thức, bạn sẽ thấy việc này có thể thực hiện được, bằng cách:
-Sử dụng động lực để thúc đẩy người nghe
-Đưa ra một lý do mạnh mẽ
-Giải thích lý do một cách rõ ràng, hợp lý
-Yêu cầu họ thực hiện
Mọi người cần một động cơ, một lý do và một yếu tố kích hoạt để thực hiện một hành động nhất định. Khi cung cấp cho họ những gì họ cần, bạn sẽ truyền đạt thành công thông điệp của mình.
Điều này có thể áp dụng cho các mối quan hệ khác nhau như giáo viên-học sinh, người sử dụng lao động-nhân viên, cha mẹ-con cái,…
Ứng dụng tâm lý học trong giao tiếp là cách giúp chúng ta cải thiện khả năng giao tiếp vô cùng hiệu quả. Điều này thể hiện khá rõ ràng qua lĩnh vực tâm lý học nhận thức, khi chúng ta có thể dựa vào đó để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động giao tiếp của con người. Từ đó chúng ta sẽ cải thiện được khả năng tương tác với người khác.
BBT HappyMind biên tập
Nguồn tham khảo chính:
How to make communication more effective using cognitive psychology, Melanie Sovann, Trainingmag.com