Lo âu trong công việc có lẽ là vấn đề hầu hết chúng ta đều gặp phải trong quá trình làm việc, bất kể vị trí, môi trường hay đặc điểm nghề nghiệp là gì. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà nếu chúng ta không nhìn nhận một cách nghiêm túc, không những công việc mà cuộc sống hàng ngày cũng có thể bị ảnh hưởng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lo âu trong công việc và cách khắc phục trạng thái này nhé.
1. Thế nào là lo âu trong công việc
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng rối loạn lo âu đang ngày càng trở nên phổ biến. Trên thực tế, tỷ lệ mắc các dạng hội chứng rối loạn lo âu được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán khá thấp nhưng tỷ lệ những người hàng ngày đang đối mặt với sự căng thẳng liên tục trong công việc và cuộc sống lại rất cao.
Những áp lực và căng thẳng do công việc một người gặp phải trong một khoảng thời gian nhất định, có khả năng gây ra tình trạng lo âu trong công việc cho người đó. Hoặc tình trạng này cũng có thể diễn ra do ảnh hưởng của một chứng rối loạn lo âu nào đó.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến trạng thái lo âu trong công việc do áp lực và căng thẳng trong quá trình làm việc.
Lo âu trong công việc là tình trạng gặp khá nhiều trong cuộc sống hiện đại. Ảnh Pixabay
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu trong công việc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người phải đối mặt với nỗi lo âu trong công việc. Và, những nguyên nhân này cũng khác nhau giữa mỗi người, trong đó có thể bao gồm:
2.1. Áp lực công việc đến từ việc một người
– Được yêu cầu phải hoàn thành gấp một dự án hoặc phải trình bày tại một buổi họp
– Mắc hội chứng kẻ mạo danh (tình trạng một người luôn nghi ngờ bản thân, nghi ngờ thành tích mình đạt được, và sợ hãi mình sẽ bị vạch trần là kẻ lừa đảo, dù thực tế không phải vậy) hoặc xu hướng nghi ngờ bản thân và thấy mình không đủ tư cách phụ trách công việc
– Không có mối liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp
– Chịu sự chỉ đạo của một người sếp khó tính
– Thiếu tầm nhìn và không có mục đích rõ ràng trong công việc
2.2. Sự lo lắng khi làm việc tại một nơi
– Có môi trường và văn hóa làm việc độc hại
– Đặt ra kì vọng không thực tế
– Không đủ nhân sự cần thiết
– Có tính cạnh tranh cao
– Không có chương trình đào tạo, huấn luyện thích hợp về các vấn đề chuyên môn phát sinh
– Không có chế độ đãi ngộ phù hợp, đặc biệt đối với trường hợp tăng ca
– Không ưu tiên sức khỏe hoặc sự an toàn của bạn
Lo lắng làm việc tại một nơi có tính cạnh tranh cao cũng có thể khiến bạn lo âu. Ảnh Pixabay
2.3. Nguyên nhân khác
Trong một số trường hợp, sự lo âu trong công việc có thể có nguyên nhân sâu xa khác, ví dụ:
– Bạn đã từng có trải nghiệm tiêu cực đối với việc gọi điện thoại
– Sếp của bạn gợi bạn nhớ đến cha mình
– Lời chỉ trích nặng nề của giáo sư thời đại học, khiến bạn trở nên nhạy cảm với bất cứ phản hồi nào, về nhiệm vụ trong công việc liên quan đến văn bản
3. Dấu hiệu cho thấy bạn đang đối mặt với tình trạng lo âu trong công việc
Là một trạng thái tâm lý, nên lo âu trong công việc sẽ thể hiện qua một số dấu hiệu, có thể bao gồm:
3.1. Các dấu hiệu về tâm lý
Về dấu hiệu tâm lý, bạn có thể:
– Thấy bình thường hoặc vui vẻ vào buổi tối, ngày cuối tuần, ngày nghỉ nhưng bắt đầu lo lắng trở lại vào buổi sáng hoặc khi trở lại làm việc. Đôi khi cảm giác lo lắng bao trùm lên cả ngày nghỉ hay ngày cuối tuần của bạn
– Thấy mệt mỏi khi nghĩ đến công việc hoặc khi nhận được email, cuộc gọi liên quan đến công việc
– Khó trao đổi với đồng nghiệp nhưng có thể nói chuyện bình thường, vui vẻ với bạn bè hoặc người khác ngoài công ty
– Khó tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể trong công việc
– Thấy mất hoặc giảm dần động lực khi làm việc
– Luôn chần chừ, trì hoãn trong công việc
– Tránh các cuộc họp, tham gia dự án mới hoặc các sự kiện liên quan đến công việc
Mệt mỏi khi nghĩ đến công việc cũng có thể là dấu hiệu của lo âu trong công việc. Ảnh Pixabay
3.2. Các dấu hiệu về thể chất
Các dấu hiệu về thể chất liên quan đến lo âu trong việc có thể gồm:
– Đau đầu và cổ
– Đổ mồ hôi tay
– Căng cơ
– Đau bụng hoặc buồn nôn liên tục
4. Khi nào tình trạng lo âu trong công việc cần được can thiệp, giúp đỡ
Làm thế nào để bạn nhận biết được tình trang lo âu trong công việc của mình cần được giúp đỡ?
Trên thực tế, không có khái niệm đúng hay sai về thời điểm kết nối với một nhà trị liệu vì đây là quyết định riêng của mỗi người. Tuy nhiên, một sự hỗ trợ có tính chuyên môn sẽ cực kỳ hữu ích nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng lo âu trong công việc, đặc biệt khi bạn:
– Lo lắng đến mức không thể hoàn thành công việc đúng hạn
– Khó ngủ
– Cảm thấy sợ hãi, cáu kỉnh và không còn là chính mình
– Nhận thấy các chiến lược thường dùng để đối phó với tình trạng lo lắng không còn tác dụng nữa
– Cần nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường và bắt đầu lên kế hoạch cho kì nghỉ tiếp theo ngay khi quay trở lại làm việc sau một kì nghỉ
Nếu cảm thấy lo âu trong công việc, bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Ảnh Pixabay
5. Nhận biết tình trạng lo âu trong công việc
Làm sao để nhận biết bạn chỉ đơn thuần gặp phải tình trạng lo âu trong công việc chứ không phải mắc một hội chứng rối loạn lo âu nào khác? Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng biết được mình chỉ đơn thuần lo âu trong công việc hay đang mắc phải một chứng rối loạn lo âu nào khác.
Để xác định vấn đề này, có lẽ dấu hiệu đáng chú ý nhất là sự lo lắng của bạn hầu hết liên quan đến công việc, trong khi chứng rối loạn lo âu có tính dai dẳng, nhất quán. Và, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa lo âu trong công việc và chứng rối loạn lo âu nói chung, là sự lo lắng trong công việc thường được hình thành và phát triển để đối phó với căng thẳng phát sinh tại nơi làm việc. Chứng rối loạn lo âu nói chung thì có xu hướng phát triển và tồn tại liên tục, bất kể hoàn cảnh công việc của bạn như thế nào.
Nhận biết lo âu trong công việc giúp bạn tìm ra cách giải quyết tình trạng hiệu quả hơn. Ảnh Pixabay
Nếu bạn đang mắc phải hội chứng rối loạn lo âu, nó sẽ làm cho sự lo lắng trong công việc, tại nơi làm việc của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí, bạn sẽ dễ rơi thẳng vào tình huống xấu nhất do sự lo lắng thái quá của mình.
Lo âu trong công việc là trạng thái phổ biến. Nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của người trong cuộc, từ đó kéo theo những hệ lụy khác trong cuộc sống. Do vậy, bạn không nên xem thường tình trạng này. Hãy lưu ý để cân bằng đời sống làm việc của bản thân, cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết bạn nhé.
BBT Happymind.vn
Nguồn tham khảo
What can you do to manage workplace anxiety, Margarita Tartakovsky, Healthline.com
https://www.healthline.com/health/anxiety/workplace-anxiety#how-to-manage-it