Cách giảm căng thẳng lo âu có lẽ là điều mà rất nhiều người hiện nay đang tìm kiếm và mong muốn áp dụng vào cuộc sống của mình. Vì căng thẳng lo âu là tình trạng vô cùng phổ biến trong thế giới hiện đại. Tình trạng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của chúng ta. Vậy phương pháp nào có thể giúp giảm trạng thái này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả nhất là xử lý tình trạng này từ gốc
Chúng ta có thể thấy tình trạng căng thẳng lo âu biểu hiện qua những triệu chứng cả về thể lý lẫn tinh thần. Việc xoa dịu những triệu chứng này chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề. Cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả nhất là chúng ta cần học hỏi, rèn luyện để chế ngự được trạng thái này, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi của bản thân.
Việc chuẩn bị sẵn sàng cho các giai đoạn căng thẳng sẽ giúp bạn vượt qua chúng dễ dàng hơn. Và biết cách quản lý sức khỏe của mình sẽ giúp bạn nhanh chóng phục hồi sau một sự kiện khiến bạn lo lắng và căng thẳng.
Giảm căng thẳng lo âu hiệu quả nhất là biết xử lý tình trạng từ gốc. Ảnh Pixabay
2. Rào cản đối với cách giảm căng thẳng lo âu
2.1. Tại sao cần biết về rào cản đối với cách giảm căng thẳng lo âu
Chế ngự tình trạng căng thẳng và xây dựng khả năng phục hồi là cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả. Cách nói đơn giản này có thể khiến chúng ta cho rằng đây là việc dễ thực hiện. Tất nhiên, lời nói luôn dễ thốt ra hơn hành động.
Chúng ta biết rằng “quản lý căng thẳng” hay “khả năng phục hồi” có thể có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Vì mỗi cá nhân đều có nhận thức và trải nghiệm riêng, điều này sẽ định hình cách họ cảm thấy căng thẳng và cách chúng ta phản ứng với trạng thái này.
Vì vậy, việc chúng ta đánh giá phản ứng của người khác một cách chủ quan trước các sự kiện gây căng thẳng là việc không nên làm.
Một số người nghĩ rằng những phản ứng đó rất dễ kiểm soát nhưng điều này không đúng. Có những nguyên nhân gây căng thẳng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cũng như một số cách giảm căng thẳng lo âu và xây dựng khả năng phục hồi không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng thực hiện được. Đây gọi là những rào cản khiến cho việc giải quyết căng thẳng gặp khó khăn hơn.
Có những nguyên nhân gây căng thẳng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ảnh Pixabay
2.2. Những rào cản đối với việc thực hiện cách giảm căng thẳng lo âu
Những rào cản đối với việc thực hiện cách giảm căng thẳng lo âu có thể gồm, một người:
Bị một căn bệnh mạn tính
Có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Chịu sự phân biệt và căm ghét, ví dụ như phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, song tính hoặc chuyển giới
Sống xa gia đình, bạn bè hay có mối quan hệ không tốt với họ
Đang chịu đựng sự cô đơn
Đang trải qua tình trạng túng thiếu, nợ nần hay các vấn đề về phúc lợi
Sống trong khu vực khó tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng hay không gian xanh
Làm cha/ mẹ đơn thân
Sống ở nơi có điều kiện sống kém hoặc thiếu an ninh
Đang phải chăm sóc, trông nom một người thân lớn tuổi, bệnh tật
Một người phải đối mặt với những rào cản trên sẽ khó kiểm soát được tình trạng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là những thứ mà bản thân người đó có thể tự mình loại bỏ. Vì vậy, điều quan trọng khi phải trải qua một hoặc nhiều trong những rào cản này là không nên đổ lỗi cho bản thân, vì phần lớn chúng rất khó hoặc không thể thay đổi được.
Cô đơn có thể là một rào cản khiến chúng ta khó vượt qua sự căng thẳng. Ảnh Pixabay
3. Cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả
Dù có đang gặp phải rào cản hay không, những cách giảm căng thẳng lo âu dưới đây chắc chắn sẽ phần nào hữu ích trong việc giúp một người vượt qua tình trạng này dễ dàng hơn:
3.1. Chăm sóc bản thân là cách giảm căng thẳng lo âu đầu tiên bạn nên thực hiện
Đối với bất cứ ai, không gì quan trọng hơn sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, chăm sóc bản thân là cách giảm căng thẳng lo âu đầu tiên bạn nên thực hiện. Bạn hãy cố gắng:
Tự đối xử tốt với bản thân
Học cách đối xử tốt với bản thân sẽ giúp bạn thấy dễ dàng đối mặt với khó khăn hơn. Bạn đừng ngại tạm ngừng công việc ít phút khi mệt để thưởng thức một tách trà hoặc tự mua một món đồ mình yêu thích.
Học cách thả lỏng, thư giãn
Bạn có thể không ngăn được một tình huống khiến mình căng thẳng, nhưng bạn hoàn toàn dành một khoảng thời gian để thả lỏng bản thân, giúp mình thư giãn và bình tĩnh hơn để đối phó với tình huống đó.
Thả lỏng và thư giãn giúp bạn giảm căng thẳng. Ảnh Internet
Phát triển và duy trì sở thích của bản thân
Việc dành thời gian cho những điều bạn yêu thích sẽ giúp phân tán bớt sự chú ý của bạn vào trạng thái căng thẳng. Đây cũng là cơ hội để bạn gặp gỡ, kết bạn mới, giúp cuộc sống trở nên thú vị hơn.
Dành thời gian cho thiên nhiên
Hòa mình vào thiên nhiên là hoạt động giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả. Bạn có thể đi dạo ở khu vực nhiều cây xanh, tưới cây trong vườn hay chăm sóc động vật.
Chăm sóc sức khỏe thể chất
Hãy ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ để có cơ thể khỏe mạnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn đối mặt với những căng thẳng, áp lực hàng ngày.
Chăm sóc sức khỏe thể chất giúp giảm căng thẳng hiệu quả. Ảnh Internet
3.2. Xây dựng “mạng lưới” hỗ trợ xung quanh cũng là cách giảm căng thẳng lo âu bạn nên áp dụng
Một trong những cách giúp giảm căng thẳng lo âu bạn nên áp dụng nữa đó là xây dựng “mạng lưới” hỗ trợ xung quanh mình. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tại chỗ làm, hay những hội nhóm với hoàn cảnh tương tự của bạn sẽ vô cùng hữu ích trong việc giúp bạn quản lý trạng thái căng thẳng.
Bạn hãy chia sẻ khó khăn với bạn bè, người thân hoặc người bạn tin tưởng; bày tỏ mong muốn hay đề xuất với đồng nghiệp, cấp trên; chia sẻ những tình huống bản thân gặp phải với những người có trải nghiệm tương tự,…chắc chắn, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp với những gì bạn chia sẻ.
Sự hỗ trợ từ người khác giúp bạn quản lý tốt hơn trạng thái căng thẳng của bản thân. Ảnh Internet
3.3. Xác định nguyên nhân gây căng thẳng giúp bạn áp dụng cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả hơn
Nếu xác định được nguyên nhân gây căng thẳng, bạn có thể áp dụng được cách giảm căng thẳng lo âu một cách hiệu quả hơn.
Dù bạn không thể tránh được những tình huống kích hoạt trạng thái căng thẳng, nhưng việc biết được điều gì bản thân có thể hoặc không thể thay đổi, cũng như sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, sẽ giúp bạn tìm được cách tốt nhất để đối phó với tình trạng căng thẳng đó.
Bạn hãy dành thời gian một mình hoặc với một người bạn tin tưởng, xét lại những tình huống có thể khiến bạn lo âu, ví dụ như:
Những tình huống thường gặp khiến bạn lo lắng, ví dụ như thanh toán hóa đơn hay tham dự một buổi hẹn
Những sự kiện chỉ diễn ra một lần nhưng luôn khiến bạn suy nghĩ về nó. Ví dụ như thi cử hay chuyển nhà
Những sự kiện nhiều áp lực đang diễn ra, ví dụ như phải chăm sóc ai đó hay trải qua sự kiện liên quan đến pháp luật
Một sự việc bạn lo lắng sẽ lặp lại, ví dụ như quay về một nơi bạn từng có trải nghiệm tồi tệ ở đó
3.4. Thiết lập lại thời gian hoạt động trong ngày
Việc thiết lập lại thời gian hoạt động trong ngày cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng lo âu.
Đôi khi, bạn dễ cảm thấy căng thẳng vì phải quản lý quá nhiều thứ trong cuộc sống. Lúc này, việc thiết lập lại thời gian cho các hoạt động của mình cũng là cách giảm căng thẳng lo âu hiệu quả. Bạn hãy:
Lập danh sách những việc bạn cần làm
Hãy lập danh sách những việc bạn cần làm theo thứ tự. Ưu tiên những việc quan trọng và gấp trước. Từ đó bạn lên kế hoạch thực hiện chúng một cách hợp lý hơn.
Xác định khung giờ bạn nhiều năng lượng và hoạt động hiệu quả nhất
Việc xác định khung giờ nhiều năng lượng nhất thực sự rất hữu ích. Điều này giúp bạn có thể sắp xếp thực hiện các công việc, nhiệm vụ quan trọng trong khoảng thời gian này khá hiệu quả.
Hãy xác định khung giờ bạn nhiều năng lượng nhất. Ảnh Pixabay
Lập ra mục tiêu ngắn hạn, thực tế
Việc lập ra mục tiêu ngắn hạn và thực tế giúp bạn có thể kiểm soát, cũng như hoàn thành chúng theo kế hoạch đã đề ra.
Đa dạng hóa hoạt động của bạn
Hãy sắp xếp xen kẽ các nhiệm vụ với nhau. Chẳng hạn bạn xếp nhiệm vụ đơn giản với phức tạp, buồn chán với thú vị, căng thẳng với dễ dàng. Điều này nhằm giúp bạn tạo sự cân bằng cho quá trình làm việc của mình.
Không quá tham lam, ôm đồm nhiều việc một lúc
Tham lam và ôm đồm nhiều việc cùng lúc là tình trạng chung và rất dễ gặp ở hầu hết chúng ta. Một khi làm như thế, áp lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong cùng khoảng thời gian sẽ rất dễ làm chúng ta lo lắng, căng thẳng. Vậy nên, không quá tham lam và ôm đồm nhiều việc cùng lúc bạn nhé.
Trao đổi rõ ràng với người khác về việc bạn có thể làm/ hoàn thành
Không phải lúc nào bạn cũng có thể nói không như mình muốn. Nhưng, bạn hãy cố gắng trao đổi rõ ràng nhất có thể về những gì bạn có khả năng phụ trách/ hoàn thành. Hoặc bạn chỉ ra yêu cầu của một người là vô lý hay không thực tế. Thực hiện như thế cũng là cách giúp chúng ta tránh căng thẳng lo âu những việc liên quan.
Nhờ người khác giúp đỡ nếu được
Thỉnh thoảng bạn có thể nhờ người nhà hoặc bạn bè giúp đỡ thực hiện một vài công việc hàng ngày. Như vậy, bạn có nhiều thời gian hơn giải quyết vấn đề đang gây căng thẳng cho bạn.
Cách giảm căng thẳng lo âu gồm những hoạt động mà bạn có thể áp dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình. Mỗi cá nhân với tính cách, nhận thức và trải nghiệm khác nhau sẽ phản ứng với tình trạng căng thẳng cách khác nhau. Chính vì vậy, những phương thức trên cũng có thể tạo ra hiệu quả khác nhau. Bạn hãy dựa vào đặc điểm của bản thân để lựa chọn cách thực hiện phù hợp nhất với chính mình nhé.
BBT Happymind.vn
Nguồn tham khảo:
1. Stress, Mid.org.uk https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/stress/managing-stress-and-building-resilience/
2. Stress, Who.int https://www.who.int//news-room/questions-and-answers/item/stress/?gclid=CjwKCAjw7c2pBhAZEiwA88pOF5jPTd_XuGquyozO5dFbfaoSpcbFzWNFEpNU1tt_eJKkIQ0KA1UNzxoC8HcQAvD_BwE