Giao tiếp trong tình yêu là khía cạnh vô cùng quan trọng đối với các cặp đôi. Nhưng trên thực tế không phải người đang yêu nào cũng ý thức được vai trò của nó. Vì, họ hầu hết còn đang mải chìm đắm trong cảm xúc thăng hoa do tình yêu mang lại. Qua giai đoạn ngọt ngào, choáng ngợp ban đầu, một mối quan hệ chỉ tồn tại lâu bền nếu người trong cuộc hiểu và tôn trọng nhau. Điều này chỉ thực hiện được khi cả hai tìm được tiếng nói đồng điệu qua việc giao tiếp. Nhưng, giao tiếp như thế nào để hai bạn ngày càng hiểu và yêu nhau nhiều hơn? Chúng ta hãy cùng đào sâu vào vấn đề thú vị này nhé.’
1. Tầm quan trọng của việc giao tiếp trong tình yêu
Chúng ta biết rằng giao tiếp là chìa khóa để mở ra mọi thứ trong cuộc sống. Đây là phương thức giúp chúng ta trao đổi thông tin, thiết lập mối quan hệ, học tập, làm việc và nhiều hoạt động khác.
Giao tiếp trong tình yêu có lẽ đặc biệt hơn trong một số mối quan hệ khác. Vì, tình yêu đôi lứa là trạng thái tình cảm, cảm xúc đặc thù chỉ nảy sinh giữa hai người. Chính vì vậy giao tiếp trong tình yêu cũng cần sự chăm chút và tinh tế hơn.
Tại sao giao tiếp trong tình yêu lại quan trọng?
Dù là trong quan hệ yêu đương, thì mỗi người cũng có nhu cầu và phong cách giao tiếp khác nhau. Bạn cần tìm được cách giao tiếp phù hợp với mối quan hệ của mình. Quá trình giao tiếp không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nên để xây dựng được phong cách giao tiếp lành mạnh, bạn cần thực hành và làm việc chăm chỉ.
Bạn có thể cảm thấy việc thực hành giao tiếp trong tình yêu là không cần thiết, hay nghĩ rằng tình yêu chân thật và bên cạnh nhau là đủ. Tuy nhiên, cho dù bạn có biết rõ và yêu nhau đến đâu, thì bạn cũng không thể đọc được suy nghĩ của đối phương. Bạn cần trao đổi rõ ràng để tránh những hiểu lầm có thể gây tổn thương, tức giận, oán hận hay tình cảnh mập mờ. Việc tự đoán định hay suy diễn suy nghĩ, hành vi của đối phương là cách làm cực kỳ nguy hiểm đối với mối quan hệ của bạn.
Hình: Bạn cần tìm được cách giao tie1p phù hợp với mối quan hệ của mình. Ảnh Pixabay
2. Giao tiếp trong tình yêu như thế nào
Đối với vấn đề giao tiếp trong tình yêu, một số lưu ý sau sẽ vô cùng hữu ích cho hai bạn.
2.1. Giao tiếp trong tình yêu dùng lời nói
Sử dụng lời nói khi giao tiếp trong tình yêu, bạn hãy:
Đừng để người khác hoặc các thiết bị công nghệ làm gián đoạn cuộc nói chuyện giữa hai bạn, hay làm bạn phân tâm khi trò chuyện
Thể hiện rõ ràng thông điệp của bạn. Qua đó, đối phương có thể hiểu được chính xác mà không bị bối rối hay lo lắng về ẩn ý trong lời nói
Nói về những gì đang xảy ra ảnh hưởng đến bạn như thế nào
Nói cụ thể về những gì bạn muốn, cần hay cảm nhận, sử dụng câu có em/ anh như: “Em/ anh muốn…”; “Em/ anh cần…”; “Em/ anh cảm thấy…”. Khi quyết định thành thật về suy nghĩ và cảm nhận, bạn cũng cần chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính mình
Lắng nghe đối phương: khi đối phương bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với bạn, bạn hãy tạm thời gác lại suy nghĩ của bản thân. Đồng thời, bạn cố gắng hiểu ý định, cảm xúc, và mong muốn của họ (điều này gọi là sự đồng cảm)
Chia sẻ những cảm xúc tích cực với đối phương: chẳng hạn như những gì bạn đánh giá cao và ngưỡng mộ ở họ cũng như tầm quan trọng của họ đối với bạn
Chú ý đến ngữ điệu và cao độ giọng nói của bạn, việc to tiếng sẽ cực kỳ dễ dẫn đến mâu thuẫn và tranh cãi
Chấp nhận khả năng thương lượng cùng nhau và nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng đúng
Nếu vấn đề bạn đang trao đổi không quá quan trọng, hãy cố gắng bỏ qua, hoặc nêu quan điểm rõ ràng đồng ý hay không đồng ý
Hình: Chia sẻ những cảm xúc tích cực với đối phương. Ảnh Pixabay
2.2. Giao tiếp phi ngôn ngữ trong tình yêu
Có một điều chúng đều cần lưu ý, đó là giao tiếp trong tình yêu không chỉ bằng lời nói. Giao tiếp phi ngôn ngữ cũng là phần quan trọng không kém trong tình yêu.
Khi giao tiếp, chúng ta có thể “nói” rất nhiều mà không cần dùng lời. Tư thế cơ thể, giọng nói và nét mặt đều có khả năng truyền tải thông điệp của bạn.
Những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ cũng giúp đối phương biết được bạn cảm thấy thế nào về họ.
Nếu cảm xúc của bạn không phù hợp với lời nói, thì phần giao tiếp phi ngôn ngữ sẽ thường được “nghe thấy” và được tin hơn là những lời bạn nói ra. Ví dụ việc nói với đối tác câu “Em/ Anh yêu anh/ em” với giọng điệu đều đều và buồn chán sẽ mang lại hai thông điệp rất khác nhau.
Bạn cần chú ý xem ngôn ngữ cơ thể của bạn có phản ánh đúng những gì bạn đang nói hay không.
2.3. Lắng nghe là phần quan trọng đối với việc giao tiếp trong tình yêu
Lắng nghe là một phần vô cùng quan trọng đối với việc giao tiếp trong tình yêu. Biết lắng nghe là hành động khích lệ đối phương trò chuyện cởi mở và thành thật hơn. Để làm được điều này, bạn hãy:
Giữ giao tiếp mắt thoải mái
Nghiêng người về phía đối phương và thực hiện các cử chỉ thể hiện sự hứng thú và quan tâm đến vấn đề họ đang đề cập tới
Hình: Thực hiện các cử chỉ thể hiện sự quan tâm đến vấn đề mà các bạn đang đề cập. Ảnh Pixabay
Có tư thế cởi mở, không phòng thủ, tay và chân không bắt chéo
Đối diện với đối phương, không đứng hoặc ngồi sang một bên
Ngồi hoặc đứng ngang tầm để tránh nhìn lên hoặc nhìn xuống đối phương
Tránh những cử chỉ gây mất tập trung, đặc biệt là sử dụng thiết bị công nghệ. Bạn cũng nên tắt chuông điện thoại hoặc các thiết bị liên lạc khác để đảm bảo bạn lắng nghe đối phương thực sự
Không ngắt lời đối phương
Nếu vấn đề đang được đối phương đề cập khiến bạn tức giận, hãy dành thời gian để bình tĩnh lại trước khi tranh luận hay giải quyết nó
Yêu cầu đối phương phản hồi về việc bạn lắng nghe họ (họ có cảm nhận được thiện chí và sự tôn trọng của bạn hay không)
2.4. Kiểm soát xung đột bằng giao tiếp
Bạn không thể tránh được xung đột trong tình yêu, nhưng giao tiếp có thể giúp bạn kiểm soát nó. Bạn hãy thử:
Tránh sử dụng phương thức “im lặng” để giải quyết vấn đề
Đừng vội kết luận sự việc. Hãy tìm hiểu mọi thứ thay vì đoán mò động cơ
Thảo luận với đối phương về những gì thực sự đã xảy ra
Hình: Bạn không thể tránh xung đột trong tình yêu, giáo tiếp giúp bạn kiểm soát nó. Ảnh Pixabay
Đừng phán xét
Học cách hiểu nhau thay vì đánh bại nhau
Nói chuyện bằng thì hiện tại và tương lai, không phải thì quá khứ
Tập trung vào vấn đề chính và đừng để những vấn đề nhỏ khác làm bạn xao lãng
Nói về những vấn đề làm tổn thương bạn hoặc cảm xúc của đối phương, sau đó chuyển sang vấn đề sự khác biệt về quan điểm
Dùng câu “Em/ Anh thấy…”, không phải câu “Anh/ Em là…”
Xây dựng mối quan hệ yêu đương lâu dài đòi hỏi bạn chú tâm bồi đắp nhiều khía cạnh, chứ không chỉ là mặt cảm xúc. Giao tiếp trong tình yêu dù bằng lời nói hay không dùng lời, đều quan trọng trong việc giúp hai bạn ngày càng hiểu nhau hơn. Đây là nền tảng để hai người phát triển mối quan hệ của mình theo hướng tích cực theo thời gian.
BBT HappyMind tổng hợp
Nguồn tham khảo chính:
Relationship and communication, Betterhealth.vic.gov