Cách giáo dục trẻ rất quan trọng. Dạy trẻ với những cách thích hợp hỗ trợ rất nhiều trong quá trình trẻ phát triển. Cách giáo dục còn ảnh hưởng lâu dài, đến khi trẻ trưởng thành. Bàn về giáo dục trẻ em, có nhiều khía cạnh để nói đến. Trong chia sẻ này, chúng ta cùng tìm hiểu về việc giáo dục trẻ dựa trên tính cách của con. Đây là một trong những chủ đề rất hữu ích và thú vị để chúng ta tham khảo.
1. Tính cách là gì?
Theo từ điển định nghĩa, tính cách của một người là những phẩm chất tinh thần và đạo đức đặc trưng của người đó.
2. Tính cách của mỗi người quan trọng ra sao
Tính cách có thể xem là phần quan trọng cốt lõi của một con người. Tính cách góp phần hình thành nên “bản sắc” của mỗi cá nhân. Tính cách cũng phản ánh hành vi của cá nhân đó. Và, tính cách của một người chính là đặc điểm quan trọng phân biệt người đó khác với người khác.
Tính cách hình thành và phát triển qua một quá trình. Bắt đầu từ khi còn nhỏ, tính cách của một người đã bắt đầu được xây dựng. Tùy theo các yếu tố ảnh hưởng mà tính cách của người đó hình thành và phát triển ra sao.
3. Điều gì ảnh hưởng đến tính cách của một người
Tính cách của một người tác động đến suy nghĩ, hành vi của người đó. Tính cách của một người bị ảnh hưởng bởi tính khí, kinh nghiệm, lựa chọn cá nhân và các yếu tố môi trường.
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến tính cách bao gồm gia đình, trường học, cộng đồng. Trong đó, yếu tố môi trường gia đình là quan trọng nhất.
4. Gia đình – yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến tính cách của trẻ
Như đã đề cập, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính cách mỗi người trước hết là gia đình.
Mỗi người đều có một gia đình, nơi nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Mỗi một gia đình đều sẽ có những phong cách sống riêng. Phong cách này thực sự ảnh hưởng và quyết định tính cách của những đứa trẻ trong gia đình đó. Điều này còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến khi trẻ trưởng thành.
4.1. Gia đình ảnh hưởng đến tính cách trẻ như thế nào
Lớn lên trong gia đình nguyên vẹn hạnh phúc và đầy đủ, đứa trẻ sẽ được phát triển toàn diện. Điều này mang lại cho trẻ những lợi thế nhất định khi trưởng thành.
Ngược lại, sống trong gia đình thiếu hụt tình cảm gia đình và gặp nhiều vấn đề sẽ làm đứa trẻ bị ảnh hưởng. Trẻ có cảm giác mặc cảm và thiếu sự yêu thương. Điều này có thể trở thành điểm yếu của trẻ khi lớn lên.
4.2. Giáo dục trẻ dựa trên tính cách bắt đầu từ môi trường gia đình
Qua các điểm trên cho thấy, tính cách của một người có thể hình thành từ nhỏ. Tính cách này có quá trình phát triển của nó. Theo đó, từ gia đình – nền tảng ban đầu của tính cách, chúng ta có thể bồi dưỡng, giáo dục trẻ những phẩm chất tốt đẹp. Nhờ vậy, khi lớn lên, tính cách tác động đến cuộc sống của trẻ sẽ theo hướng tích cực.
5. Các nhóm tính cách và cách giáo dục trẻ dựa trên tính cách
Hãy cùng HappyMind tiếp tục tìm hiểu xem các nhóm tính cách của trẻ có đặc điểm như thế nào. Nhờ vậy, chúng ta sẽ hiểu hơn. Cũng như, chúng ta có cách hỗ trợ phù hợp. Từ đó, chúng ta sẽ giúp trẻ phát triển hơn, thành công hơn và sống hạnh phúc hơn trong tương lai.
5.1. Trẻ thuộc nhóm hướng ngoại
Đặc trưng của trẻ có tính cách hướng ngoại là hòa đồng, hoạt bát, năng động. Trẻ có tính quyết đoán và luôn biểu hiện cảm xúc của mình một cách tự tin.
Trẻ thuộc nhóm hướng ngoại có nhiều năng lượng cho tất cả các hoạt động trong một ngày của chúng. Đôi khi, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy chúng mệt nhoài dù có hoạt động như thế nào. Sự năng động này giúp cho mọi người vui vẻ và phấn khích theo trẻ khi tiếp xúc với chúng.
Cách giáo dục trẻ thuộc nhóm hướng ngoại
Để giúp trẻ phát triển hơn, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ:
- Tham gia các hoạt động ngoại khóa
- Tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm sáng tạo, học tập theo hình thức làm việc nhóm
- Tham gia câu lạc bộ trong trường học, các cuộc thi…
Qua các hoạt động này, trẻ có cơ hội tiếp xúc tương tác với những người xung quanh. Vì nhu cầu kết bạn của nhóm trẻ này khá cao, nhưng đôi lúc chúng cũng nhút nhát, vì thế, chúng cần cha mẹ cổ vũ và động viên nhiều hơn. Điều này giúp trẻ ngày càng phát triển, khai thác được lợi thế của bản thân mình.
5.2. Trẻ thuộc nhóm tâm lý nhạy cảm
Khi đứng trước một tình huống nhất định, trẻ sẽ vừa nghĩ cho bản thân vừa lo nghĩ cho người khác. Trẻ có thể sẽ cảm thấy bất an về lựa chọn của mình, chưa tự tin hoàn toàn vào bản thân.
Trẻ thuộc nhóm này là người giàu tình cảm. Đôi khi, trẻ dễ bị rơi vào tình trạng u sầu, buồn bã. Có lúc, ở trẻ xuất hiện cảm xúc lo âu, buồn chán, tự ti, nản chí. Hoặc trẻ thiếu kiên trì với những mục tiêu đã đặt ra.
Cách giáo dục trẻ thuộc nhóm tâm lý nhạy cảm
Để giúp trẻ thuộc nhóm tính cách này phát triển thế mạnh về sự nhạy bén cảm xúc, hãy chơi đùa thường xuyên với trẻ. Hãy giúp trẻ tiếp nhận được nhiều cảm xúc tích cực, vui vẻ. Khi trẻ có những cảm xúc buồn chán, tiêu cực, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ chấp nhận cảm xúc của mình thay vì tự ti mặc cảm.
Một cách khác khi trẻ chán nản với mục tiêu đề ra, cha mẹ có thể chia nhỏ mục tiêu. Điều này giúp con thấy được kết quả nhanh hơn. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy con cố gắng cho những mục tiêu tiếp theo. Khen thưởng, động viên, khích lệ khi trẻ làm tốt. Gợi ý khi trẻ chưa làm được. Nhờ vậy, trẻ sẽ tự tin hơn về bản thân.
5.3. Trẻ thuộc nhóm tận tâm
Những đứa trẻ có tính cách tận tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách chu đáo, tỉ mỉ,kỹ lưỡng hơn những đứa trẻ khác. Vì thế chúng rất có năng khiếu trong trong việc sắp xếp và tổ chức mọi thứ dù nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chúng luôn nghiêm khắc với bản thân. Nhưng, chúng cũng biết cách sẻ chia, an ủi và giúp đỡ người khác.
Cách giáo dục trẻ thuộc nhóm tính cách tận tâm
Thế mạnh tỉ mỉ, tận tâm giúp trẻ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn khi được cha mẹ khuyến khích. Và, thế mạnh này sẽ phát triển hơn nữa khi cha mẹ tạo cơ hội cho tham gia các hoạt động xã hội. Những hoạt động xã hội giúp trẻ học được nhiều kỹ năng khác nhau. Những kỹ năng này có thể là kỹ năng quản sát, kỹ năng giải quyết vấn đề…
5.4. Trẻ thuộc nhóm dễ chịu
Trẻ nhóm này thường dễ chấp nhận các yêu cầu của người khác. Là người có thể kết nối mọi người, xây dựng tương tác trong một nhóm làm việc. Là người có khả năng lắng nghe người khác hơn. Tuy nhiên với đặc điểm này trẻ dễ bị người khác chi phối. Càng về lâu, trẻ sẽ mất đi cái tôi riêng và dễ dàng thỏa hiệp và bị lợi dụng.
Cách giáo dục trẻ thuộc nhóm tính cách dễ chịu
Cha mẹ cần cho trẻ tiếp xúc với việc tự đưa ra quyết định. Cũng như, nên tạo cơ hội cho trẻ đưa ra nhiều ý kiến của bản thân.
Cha mẹ có thể hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định, trước những vấn đề liên quan đến con.
5.5. Trẻ thuộc nhóm sẵn sàng trải nghiệm
Trẻ thuộc nhóm sẵn sàng trải nghiệm luôn thích thú, phấn khích trước những điều mới lạ. Trẻ có tính tò mò và ham thích khám phá thế giới. Chúng không ngại hãy chùn bước trước những khó khăn. Chúng luôn sẵn sàng đi trước trong các chuyến phiêu lưu. Đôi khi sự ham thích cái mới quá mạnh lại làm cho trẻ nhanh chán. Trẻ cũng dễ từ bỏ khi tìm thấy những điều thú vị, mới mẻ hơn.
Cách giáo dục trẻ thuộc nhóm sẵn sàng trải nghiệm
Với nhóm này, cha mẹ có thể tạo ra những hoạt động sáng tạo khi chơi. Cũng như, hãy thường xuyên thay đổi cách chơi với con để tạo hứng thú mới. Điều này sẽ tránh lặp lại nhàm chán.
Dựa vào tính cách của trẻ, cha mẹ sẽ hiểu trẻ nhiều hơn. Qua đó, cha mẹ cũng có những cách phù hợp để dạy con. Giáo dục trẻ dựa trên tính cách chắc chắn sẽ mang lại kết quả rất tích cực. Cha mẹ sẽ cảm thấy việc dạy con không phải là gánh nặng hoặc đầy khó khăn, thử thách. Bản thân trẻ cũng nhận được rất nhiều ích lợi. Con sẽ trở thành một người tốt, sống hạnh phúc hơn và dễ thành công hơn trong tương lai.
BBT HappyMind tổng hợp
Nguồn tham khảo:
- Identifying extrovert behavior in children, Carol Bainbridge, Verywellfamily.com
- What is Conscientiousness? Sherri Gordon, Verywellmind.com
- How are character and personality different, LaKeisha Fleming, Verywellmind.com
- How to educate children according to their character and talent, Cherish Academy, Cherishacademy.sch.id