Căng thẳng là một cụm từ rất quen thuộc và ngày càng được đề cập thường xuyên trong cuộc sống. Tình trạng căng thẳng với nhiều người được xem là cần phải tránh, giảm. Thậm chí, với một số người, căng thẳng không nên xuất hiện trong trạng thái tâm lý, cảm xúc của họ. Vậy, căng thẳng là gì, tại sao chúng ta căng thẳng. Có hay không tình trạng căng thẳng nên tồn tại? Trong chia sẻ sau, mời bạn cùng Happy Mind tìm hiểu nhiều hơn về các điểm liên quan này nhé.
1. Căng thẳng là gì?
Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Phản ứng này xuất hiện khi chúng ta gặp những tình huống bất ngờ, nguy hiểm, lo lắng,…Nói một cách khác, khi gặp các tình huống chúng ta không có hoặc có ít quyền kiểm soát, cơ thể sẽ tự nhiên sản sinh hormone gây căng thẳng. Chúng chuẩn bị cho sự trốn tránh, đối mặt, chiến đấu chống lại hoặc bỏ chạy.
Căng thẳng xuất hiện khi chúng ta gặp tình huống bất ngờ, lo lắng hay nguy hiểm. Ảnh Pixabay
1.1. Căng thẳng là gì theo tâm lý học
Căng thẳng hay stress theo tâm lý học là cảm giác áp lực, dồn ép. Cơ thể trải qua cảm giác này khi gặp những điều gì đó bất ngờ, mới mẻ. Hoặc, khi đối diện với các tình huống chúng ta cảm thấy bản thân có ít quyền kiểm soát, sự căng thẳng sẽ được kích hoạt.
Theo lẽ đó, căng thẳng sản sinh trong các tình huống có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Và, tình trạng căng thẳng không luôn luôn là một trạng thái xấu cần loại bỏ. Cũng như, căng thẳng không phải là luôn tốt nếu như mức độ của nó là quá lớn hay quá nhiều.
1.2. Mặt tích cực và tiêu cực của căng thẳng
Về mặt tích cực, ở mức độ nhẹ, áp lực hay sự dồn ép có thể tạo nên sự thúc đẩy hành động. Hay có thể nói rằng, ở mức độ nhẹ, căng thẳng có lợi cho chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta phát biểu trước đám đông, cảm giác căng thẳng có thể xuất hiện. Ở mức độ nhẹ, đây có thể trở thành lực thúc đẩy, khiến chúng ta mạnh dạn hơn để phát biểu. Sau khi phát biểu, sự căng thẳng sẽ biến mất.
Về mặt tiêu cực, khi áp lực hoặc sự dồn ép lớn hoặc nhiều, căng thẳng có thể ức chế hệ miễn dịch của chúng ta. Điều này dễ dẫn đến ốm bệnh, trong đó, sẽ bao gồm cả khả năng tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Căng thẳng quá mức còn có thể tác động rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Căng thẳng ở mức độ nhẹ có lợi cho chúng ta. Ảnh Pixabay
1.3. Mức độ căng thẳng
Căng thẳng như đã đề cập có thể là ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Theo các nhà chuyên môn, căng thẳng được phân loại thành cấp tính hay mạn tính. Trong đó, căng thẳng cấp tính dù phổ biến hơn nhưng lại là loại căng thẳng ngắn hạn, không gây ra nhiều thiệt hại. Ngược lại, căng thẳng mạn tính thì có hại, nó có thể trở thành một phần trong tính cách và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.
1.4. Tình trạng căng thẳng ở mỗi cá nhân
Theo các chuyên gia, mọi sự kiện và tình trạng trong cuộc sống đều có khả năng dẫn đến căng thẳng. Dù thế, mức độ căng thẳng diễn ra ở mỗi người hoàn toàn không tương tự nhau. Ví dụ, tình huống này có thể khiến người này cảm thấy rất căng thẳng. Song, tình huống ấy lại khiến mức độ căng thẳng ở người khác nhẹ hơn, thậm chí là có người không phải trải qua sự căng thẳng vì tình huống đó.
Rất khó để nói rằng, không ai trong chúng ta không ít hay nhiều lần bị căng thẳng. Hầu hết mọi người đều ít nhiều có trải nghiệm căng thẳng ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sự căng thẳng diễn ra ở mỗi cá nhân đều rất khác biệt. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố từ căn bản sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn trải nghiệm cuộc sống, đến kinh nghiệm để quản trị mức độ căng thẳng, hay nguyên nhân dẫn đến căng thẳng mà họ đối mặt.
Chúng ta hầu như ai cũng ít hay nhiều lần trải qua căng thẳng. Ảnh Pixabay
2. Nguyên nhân gây căng thẳng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căng thẳng ở mỗi cá nhân. Các nguyên nhân này rất cụ thể hoặc khó xác định. Dựa vào dữ liệu thực tế, các nguyên nhân gây ra căng thẳng khá phổ biến có thể đề cập đến như:
– Vấn đề học hành thi cử (đối với học sinh, sinh viên).
– Vấn đề công việc (đối với người đi làm).
– Không có thời gian đủ để xử lý sự việc hay vấn đề nào đó.
– Vấn đề tài chính.
– Vấn đề bệnh tật.
– Vấn đề chỗ ở, chuyển nhà.
– Các mối quan hệ.
– Vấn đề hôn nhân hoặc ly hôn.
– Các vấn đề trong gia đình.
– Các vấn đề liên quan đến hàng xóm láng giềng.
– Mang thai, sinh con, chăm sóc con cái, làm cha mẹ.
– Các công việc căng thẳng như dịch vụ khẩn cấp, cứu hộ, quân đội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,…
– Những thay đổi tích cực trong cuộc sống nhưng là những sự kiện lớn.
Nếu như có nhiều nguyên nhân có khả năng dẫn đến căng thẳng như thế, làm sao để biết chúng ta đang trải qua điều này. Cùng tìm hiểu tiếp về các dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng căng thẳng nhé.
3. Dấu hiệu bị căng thẳng
Nhiều dấu hiệu cho biết chúng ta đang căng thẳng. Các dấu hiệu khá đa dạng. Chúng bao gồm cả dấu hiệu từ cảm giác, phản ứng cơ thể đến hành vi. Một cách cụ thể hơn:
3.1. Dấu hiệu bị căng thẳng qua cảm giác
Bạn có thể cảm thấy:
– Lo lắng, hồi hộp, sợ hãi.
– Tức giận, nổi nóng, hung hăng hoặc dễ cáu bẳn.
– Buồn phiền, bực bội.
Nổi nóng là một trong các dấu hiệu của căng thẳng. Ảnh Pixabay
3.2. Phản ứng của cơ thể
Có những tình huống khiến cơ thể bạn phản ứng rõ ràng qua các tình trạng cụ thể như:
– Nhức đầu, chóng mặt, khó thở, thở gấp, thở ngắn.
– Buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu.
– Táo bón hoặc tiêu chảy.
3.3. Dấu hiệu bị căng thẳng qua hành vi
Bạn có thể có các xu hướng như:
– Không linh hoạt, do dự, thiếu quyết đoán.
– Xúc động, rơi nước mắt.
– Tránh né người khác, chạm vào họ hoặc bất ngờ bám víu vào họ.
– Gặp các vấn đề về giấc ngủ. Trí nhớ bị ảnh hưởng.
– Uống rượu hoặc hút thuốc nhiều hơn so với thói quen bình thường.
– Thói quen ăn uống thay đổi.
– Không muốn vận động hay tập thể dục.
4. Cách để giảm căng thẳng
Trừ mức độ nhẹ dễ trở thành sự thúc đẩy hành động tích cực, còn lại, căng thẳng quá hay kéo dài đều cần phải được giải quyết. Có những cách khác nhau để bạn giảm căng thẳng chẳng hạn như:
4.1. Cách để bạn giảm căng thẳng – giải quyết vấn đề nếu bạn có thể
– Xem xét các vấn đề có thể khiến bạn đang căng thẳng. Liệt kê chúng ra và đưa giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.
– Hãy giải quyết trước vấn đề mà bạn có thể xử lý được. Thực hiện từng bước nhỏ nếu cần. Từ từ bạn sẽ nhìn thấy cách giải quyết cho các vấn đề khó khăn hơn.
Liệt kê các vấn đề có thể khiến bạn căng thẳng và từ từ xử lý chúng. Ảnh Pixabay
4.2. Lập kế hoạch để giải quyết từng vấn đề
– Lập kế hoạch để giải quyết từng vấn đề mà mình gặp phải.
– Đặt ra những kỳ vọng cho vấn đề mình có thể xử lý.
– Tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ người khác cho vấn đề bạn cảm thấy quá sức.
– Nói không với những gì bạn không thể đảm nhận.
4.3. Không cố gắng giải quyết mọi thứ cùng một lúc
– Có những việc bạn có thể để người khác giải quyết thay bạn sẽ hợp lý hơn. Giao đi và không ôm đồm là một quyết định rất nên làm trong nhiều trường hợp.
– Có những việc bạn cần ưu tiên thì bạn hãy ưu tiên giải quyết chúng.
– Có những việc bạn cần sắp xếp lại thì hãy sắp xếp lại và đừng ngại bắt đầu.
4.4. Xây dựng mối quan hệ hỗ trợ
– Đừng ngại tìm đến gia đình, người thân hay bạn bè để được hỗ trợ khi cần thiết.
– Tham gia những khóa học, tổ chức, hoạt động xã hội để mở rộng mối quan hệ tương hỗ. Ít nhất, bạn cũng có thể có thêm cơ hội trong việc tiếp xúc và tìm kiếm những lời khuyên từ người có kinh nghiệm hơn. Điều này rất hữu ích cho bạn trong việc nhanh chóng kiểm soát được sự căng thẳng.
Đừng ngại tìm đến người bạn tin tưởng để được giúp đỡ. Ảnh Pixabay
4.5. Chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi
– Ăn uống lành mạnh, đủ chất, uống đủ nước. Điều kiện này luôn là một phần quan trọng để giúp cơ thể bạn khỏe khoắn. Đầu óc bạn sẽ minh mẫn hơn, thoáng đãng hơn khi có một cơ thể khỏe mạnh.
– Cắt giảm rượu, thuốc lá, các thức uống giàu caffein. Nếu bỏ được rượu và thuốc lá thì càng tốt. Chúng không những không giúp bạn giảm căng thẳng mà còn góp phần làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
4.6. Hãy tập thể dục và thư giãn
Khi căng thẳng, một trong các điểm tiêu cực là khó thúc đẩy bản thân vận động. Tuy nhiên, chỉ cần bạn vượt qua sự trì trệ này, một chút vận động giống như liều thuốc bổ vậy. Vận động là một lựa chọn tuyệt vời giúp bạn đẩy lùi sự căng thẳng và cải thiện tâm trạng rất hiệu quả. Do đó:
– Hãy tập bài thể dục nhẹ nhàng và ngắn nếu bạn khó thuyết phục bản thân tập bài tập nặng hay dài.
– Đi bộ 15-20 phút vài lần mỗi tuần nếu bạn không thể đi bộ thường xuyên.
– Đừng nhốt mình ở trong phòng hay một nơi nào đó. Hãy ra ngoài trời hít thở, cảm nhận sự thoáng đãng, đi dạo.
– Chăm sóc bản thân và làm điều tích cực nào đó cho chính mình. Nếu bạn phải có trách nhiệm với ai đó thì bạn cũng cần có trách nhiệm với bản thân. Sự cân bằng này rất quan trọng. Nó giúp bạn giảm căng thẳng nhanh chóng hơn.
– Đừng quá khắt khe với bản thân.
– Hãy ngồi thiền. Thiền tịnh giúp bạn giảm lo âu, căng thẳng hiệu quả và giúp bạn dễ có giấc ngủ ngon.
Hình: Thiền giúp bạn giảm căng thẳng. Ảnh Pixabay
5. Khi nào bạn cần đến chuyên gia
Trong trường hợp bạn đã rất nỗ lực để khống chế, giảm nhẹ sự căng thẳng nhưng không hiệu quả, lúc này hãy tìm đến những người có chuyên môn.
Việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn rất cần thiết, đặc biệt đối với tình trạng căng thẳng quá mức hoặc kéo dài. Điều này không khẳng định sự thất bại của bạn. Sự hỗ trợ cần thiết, phù hợp, đúng thời điểm là một lựa chọn ích lợi. Lựa chọn ấy giúp bạn kiểm soát được tình trạng căng thẳng nhanh chóng.
Khi nói chuyện với các chuyên viên tư vấn hay trị liệu tâm lý, bạn có cơ hội để xác định rõ nguyên nhân. Cũng qua đó, bạn được giúp đỡ để tìm ra cách thức hiệu quả nhất nhằm giảm căng thẳng. Từ đó, các vấn đề được tháo gỡ, bạn sẽ tránh được nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất nghiêm trọng hơn.
Như vậy, bạn và Happy Mind vừa cùng tìm hiểu qua chủ đề căng thẳng là gì. Không chỉ đơn giản là cảm giác áp lực hay dồn nén, có khá nhiều khía cạnh liên quan mà chúng ta nên nắm được. Nhờ vậy, chúng ta sẽ hiểu hơn vấn đề căng thẳng nếu gặp phải, nhanh chóng có cách vượt qua để ổn định tinh thần, cũng như giữ cho thể chất được an mạnh hơn.
Ban Biên tập Happy Mind tổng hợp
Nguồn tham khảo:
https://www.unicef.org/parenting/mental-health/what-is-stress
https://www.mentalhealth.org.uk/explore-mental-health/a-z-topics/stress
https://www.medicalnewstoday.com/articles/145855#symptoms
https://www.healthline.com/health/can-stress-make-you-sick#causes