Trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần phổ biến nhất thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến một tỷ lệ dân số nhất định mỗi năm. Ở mức độ nặng, trầm cảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, việc học tập và làm việc của người bệnh. Điều nguy hiểm là phần lớn người bệnh nhận ra mình bị trầm cảm khá muộn, gây khó khăn cho việc điều trị và phục hồi tinh thần cũng như thể chất. Vậy làm thế nào để nhận ra dấu hiệu trầm cảm ở một người nhằm giúp đỡ kịp thời, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Trầm cảm là gì?
Để nắm và phân biệt được dấu hiệu trầm cảm so với các trạng thái tình cảm và tinh thần khác, trước tiên chúng ta hãy cùng xem trầm cảm là gì nhé.
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần gây ra cảm giác lo buồn và mất hứng thú một cách dai dẳng. Nó ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về cảm xúc và cả thể chất. Người bị trầm cảm sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Và đôi khi, họ có thể thấy cuộc sống không đáng sống.
Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán thoáng qua mà bạn chỉ cần thoát khỏi cảm xúc tại một thời điểm nhất định là đã thoát khỏi “nó”. Đây là dạng rối loạn cần được điều trị lâu dài. Điều đáng mừng là hầu hết những người bị trầm cảm đều cảm thấy tốt hơn, sau khi dùng thuốc hoặc trị liệu tâm lý, hoặc cả hai.
– Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán thoáng qua. Ảnh Pixabay
2. Dấu hiệu trầm cảm
Các dấu hiệu trầm cảm có thể rất phức tạp và khác nhau giữa mỗi người, phổ biến là cảm giác lo buồn, tuyệt vọng, mất hứng thú với những điều đã từng được yêu thích. Các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Nó có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã hội của một người.
Vì dấu hiệu trầm cảm rất đa dạng nên chúng ta không thể liệt kê đầy đủ. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể nhận thấy được bao gồm:
2.1. Dấu hiệu trầm cảm về mặt tâm lý
Một số dấu hiệu trầm cảm về mặt tâm lý bao gồm, một người có thể:
– Thấy luôn chán nản và lo buồn
– Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực
– Luôn thấy tự ti
– Cảm thấy cực kỳ buồn bã
– Có cảm giác tội lỗi
– Luôn thấy cáu kỉnh và bực tức với người khác
– Thấy mất hứng thú với mọi thứ
– Thấy khó khăn khi đưa ra một quyết định nào đó
– Không tìm được niềm vui trong cuộc sống
– Cảm thấy giận dữ hoặc lo lắng
– Có ý nghĩ tự tử hoặc làm hại bản thân
– Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực có thể là dấu hiệu của trầm cảm về mặt tâm lý. Ảnh Pixabay
2.2. Dấu hiệu trầm cảm về mặt thể lý
Ngoài các triệu chứng về tâm lý, dấu hiệu trầm cảm còn thể hiện về mặt thể lý, bao gồm, một người có thể:
– Di chuyển hoặc nói chuyện chậm hơn bình thường
– Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, thường là giảm cân nhưng đôi khi cũng có trường hợp tăng cân
– Bị táo bón
– Bị đau nhức không rõ nguyên nhân
– Cảm thấy bị thiếu năng lượng
– Giảm ham muốn tình dục
– Bị xáo trộn về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc thức dậy quá sớm
2.3. Dấu hiệu trầm cảm về mặt xã hội
Không chỉ thể hiện về mặt tâm lý và thể lý, dấu hiệu trầm cảm còn biểu hiện về mặt xã hội, bao gồm, một người có thể:
– Tránh tiếp xúc với bạn bè và ít tham gia các hoạt động xã hội hơn
– Bỏ bê sở thích và các mối quan tâm đã từng có
– Gặp khó khăn trong công việc, tại chỗ làm, ở nhà hoặc trong cuộc sống gia đình
3. Mức độ trầm cảm
Trầm cảm thường diễn ra dần dần nên rất khó để người mắc bệnh nhận ra có điều gì đó không ổn. Nhiều người cố gắng đối phó với các triệu chứng mình gặp phải mà không ý thức được mình đang rơi vào một tình huống nghiêm trọng. Đôi khi, bạn bè hay người thân chính là người nhận thấy tình trạng bệnh của người mắc trầm cảm.
– Đôi khi người thân hay bạn bè mới chính là người nhận thấy tình trạng bệnh của người mắc trầm cảm. Ảnh Pixabay
Các dấu hiệu trầm cảm có thể biểu hiện ở mức độ khác nhau và được bác sĩ chuyên môn đánh giá là nhẹ hay nặng tùy thuộc vào:
– Tần suất một người biểu hiện các dấu hiệu trầm cảm và mức độ nghiêm trọng của chúng
– Tình trạng trầm cảm đã kéo dài bao lâu
– Chứng trầm cảm ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và công việc của người mắc
– Người bị trầm cảm có các triệu chứng rối loạn tâm thần khác không
Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh trả lời một loạt câu hỏi. Bác sĩ sẽ dựa vào đó để đánh giá mức độ trầm cảm mà người đó mắc phải.
4. Phân biệt giữa cảm xúc đau buồn và dấu hiệu trầm cảm
Đôi khi, chúng ta có thể nhầm lẫn giữa cảm xúc đau buồn với các dấu hiệu trầm cảm. Tuy chúng có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có những khác biệt quan trọng:
– Đau buồn là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của một người trước một mất mát nào đó, trong khi trầm cảm là một dạng bệnh.
– Một người đang đau buồn có thể có dấu hiệu trầm cảm nhưng chúng sẽ được cải thiện tích cực theo thời gian.
– Đối với một số người, nỗi đau mất mát quá lớn cũng có khả năng dẫn họ đến tình trạng bị trầm cảm.
– Đối với một người đang quá đau buồn thì cảm giác buồn bã là rất bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp, ý nghĩ tự sát, cảm giác vô vọng, hoặc mặc cảm tội lỗi – triệu chứng về mặt tâm thần của chứng trầm cảm, cũng có thể xuất hiện kèm với cảm xúc buồn đau sau mất mát.
– Đối với một người đang quá đau buồn thì cảm giác buồn bã là rất bình thường. Ảnh Pixabay
5. Một số dạng khác của trầm cảm
Có nhiều dạng trầm cảm khác nhau, trong đó bao gồm:
– Trầm cảm sau sinh: là tình trạng bố hoặc mẹ bị trầm cảm sau khi sinh con. Nếu được can thiệp thì trầm cảm sau sinh cũng được điều trị tương tự các dạng trầm cảm khác với thuốc và trị liệu tâm lý
– Rối loạn lưỡng cực (hay hưng – trầm cảm): là tình trạng một người vừa có các giai đoạn vừa trầm cảm vừa hưng phấn quá mức. Các dấu hiệu trầm cảm biểu hiện bình thường nhưng các cơn hưng cảm có thể dẫn đến các hành vi mất kiểm soát như cờ bạc, chi tiêu hoang phí và quan hệ tình dục không an toàn
– Rối loạn cảm xúc theo mùa (hay trầm cảm mùa đông): là dạng trầm cảm có tính chất theo mùa, thường liên quan đến mùa thu, đông và hồi phục khi mùa xuân, hè đến
– Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt: là loại hội chứng có thể bao gồm cảm giác trầm cảm và lo lắng trong những tuần trước kỳ kinh
– Rối loạn cảm xúc theo mùa là một dạng khác của trầm cảm. Ảnh Pixabay
6. Nhận thấy dấu hiệu trầm cảm, khi nào bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu bản thân hoặc bạn nhận thấy người thân, bạn bè hoặc người xung quanh có dấu hiệu trầm cảm, và các dấu hiệu này:
– Biểu hiện mỗi ngày, hoặc phần lớn các ngày trong tuần và
– Biểu hiện trong thời gian liên tục hơn 2 tuần
thì bạn cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc các chuyên gia có chuyên môn về tình trạng trầm cảm để được thăm khám và điều trị nếu cần thiết.
Trầm cảm là một chứng bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng tiêu cực về mặt tinh thần và thể chất của một người. Việc nhận biết được các dấu hiệu trầm cảm sẽ vô cùng hữu ích trong việc giúp những người rơi vào tình trạng này được giúp đỡ kịp thời. Việc điều trị bằng thuốc (nếu cần thiết) và các biện pháp trị liệu tâm lý sẽ giúp người mắc trầm cảm phục hồi theo hướng tích cực, có thể sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, yêu đời hơn.
BBT HappyMind.VN tổng hợp
Nguồn tham khảo:
1.Symptoms – Depression in aldults, NHS UK
https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/depression-in-adults/symptoms/
2. Depression (major depressive disorder), Mayoclinic.org
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007