Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của con người được nâng cao, thì đời sống tinh thần và các vấn đề về tâm lý cũng được quan tâm nhiều hơn. Chúng ta thấy các thuật ngữ như mối quan hệ toxic, thao túng tâm lý, rối loạn nhân cách ái kỷ,…đã đi vào ngôn ngữ chung. Chúng được đề cập rất nhiều trên mặt sách, báo, và các nguồn thông tin trực tuyến. Trong số này, thì mối quan hệ toxic là tình trạng phổ biến, có thể hơn chúng ta nghĩ. Và , mối quan hệ toxic thậ sự rất cần được nhìn nhận một cách đúng đắn. Vì, mức độ ảnh hưởng của một mối quan hệ đối với cuộc sống của mỗi người là khá lớn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về vấn đề này nhé.
1. Thế nào là mối quan hệ toxic
Toxic có nghĩa là có tính độc hại nghiêm trọng, có thể gây bệnh hoặc gây chết người. Vậy thì mối quan hệ toxic là mối quan hệ có tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu lên một hoặc cả hai phía trong mối quan hệ đó.
Đây là một trong những kiểu mẫu mối quan hệ khiến chúng ta cảm thấy bị tổn thương hoặc đau khổ. Và chắc chắn bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên khi nhận ra, nó tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của mình như thế nào.
Nếu bạn cảm thấy mình đang dần đánh mất lòng tự trọng, tiếng nói và giá trị trong một mối quan hệ, thì chắc chắn bạn đang nằm trong vùng “toxic – độc hại”.
Các mối quan hệ toxic gồm mối quan hệ:
Có tính bạo lực
Có tính lạm dụng
Có tính thao túng tâm lý
Có tính kiểm soát một cách cưỡng bức
Những mối quan hệ khiến chúng ta không vui, kiệt sức cũng như cảm thấy tồi tệ về bản thân theo những cách tinh vi
Hình: Mối quan hệ có tính bạo lực là một mối quan hê toxic. Ảnh Internet
2. Làm thế nào để xác định được bạn đang trong một mối quan hệ toxic
Có một số biểu hiện có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ toxic, bao gồm:
Cảm giác buồn bã, lo lắng và cam chịu diễn ra dai dẳng
Sự thiếu tôn trọng và thường xuyên xảy ra xung đột
Sự cạnh tranh và ghen tị quá mức
Sự kiểm soát về mặt tài chính và xã hội
Sự coi nhẹ hoặc phớt lờ các vấn đề đáng lo ngại dù đã được nêu ra
Một người phải hy sinh nhu cầu của mình để giữ cho người kia được vui vẻ, hạnh phúc
Theo thời gian, những yếu tố trên sẽ ngày càng làm xói mòn sâu sắc cảm xúc của bạn về bản thân mình cũng như về mối quan hệ. Lúc này nó không chỉ đơn giản là một giai đoạn khó khăn cần vượt qua, hay một cuộc cãi vã cần làm hòa, mà là một tình trạng đáng báo động bạn cần thoát ra khỏi.
Hình: Thường xuyên xảy ra xung đột có thể là dấu hiệu của mối quan hệ toxic. Ảnh Pixabay
3. Quá trình “độc hại hóa” của một mối quan hệ diễn ra như thế nào
Có lẽ những mối quan hệ toxic cũng có khởi đầu vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh nhưng lại bị “độc hại hóa” theo thời gian.
Mối quan hệ thường bị “hắc hóa” khi một trong hai người có xu hướng muốn làm hài lòng đối tác của mình hơn. Họ làm việc chăm chỉ để đáp ứng nhu cầu của người kia trong khi hy sinh nhu cầu của chính họ. Họ tiếp tục mối quan hệ với niềm tin rằng hành động đó của mình sẽ làm cho người kia coi trọng họ hơn, và những gì người đó làm là muốn tốt cho họ mà thôi.
Nhưng thay vào đó, đối tác của họ lại trở nên kiểm soát, kìm hãm họ và sử dụng những lời chỉ trích để làm cho họ ngày càng tự ti hơn. Trải qua một khoảng thời gian nhất định trong tình trạng này khiến họ quen dần, đến mức có thể mù quáng không nhận ra được “cán cân quyền lực” trong mối quan hệ đã mất cân bằng nghiêm trọng như thế nào.
Hình: Trải qua một thời gian nhất định, mối quan hệ toxic làm mất đi sự cân bằng nghiêm trọng. Ảnh Pixabay
4. Bạn nên làm gì khi nhận ra mình đang ở trong mối quan hệ toxic
Bạn có thể bị sốc khi nhận ra mình đang sống trong một mối quan hệ mà bản thân bị kiểm soát, lạm dụng. Một người bạn coi là vô cùng quan trọng lại không đủ quan tâm đến bạn, coi thường và khiến bạn ngày càng trở nên tự ti.
Một khi bạn “tỉnh ngộ” và thấy rằng mình đang ở trong mối quan hệ toxic, bạn sẽ vô cùng đau khổ. Đồng thời bạn sẽ phải đối mặt với những sự cân nhắc cực kỳ khó chịu. Thậm chí bạn thấy sợ về việc nên ở lại hay ra đi.
Lúc này, một số hành động sau sẽ vô cùng hữu ích, trong việc giúp bạn đưa ra những lựa chọn đúng đắn:
4.1. Liên hệ với bạn bè hay gia đình
Liên hệ với bạn bè hay gia đình hoặc những người có thể lắng nghe, cũng như hỗ trợ mà không phán xét bạn. Thực ra, có thể họ là những người đã nhận ra vấn đề của bạn từ lâu nhưng không được bạn tiếp nhận ý kiến một cách nghiêm túc. Đây là lúc bạn nên nghe quan điểm của họ
4.2. Hãy thành thật với chính mình
Điều gì thực sự sẽ khiến tình hình thay đổi? Bạn hãy thừa nhận với bản thân nếu bạn đã làm tất cả những gì có thể để cố gắng cải thiện mọi thứ trong mối quan hệ này.
Hãy thành thật với chính mình. Ảnh Internet
4.3. Hãy suy ngẫm về mức độ hạnh phúc và sự tự tin của bạn
Hãy suy ngẫm về mức độ hạnh phúc và sự tự tin của bạn bây giờ so với phiên bản trước đây, khi bạn chưa bước vào mối quan hệ này. Mức độ hạnh phúc và tự tin của bạn tăng lên hay giảm đi?
4.4. Hãy bắt đầu vạch ra ranh giới lành mạnh
Vạch ra ranh giới lành mạnh để người khác biết rằng, bạn mong muốn được đối xử tốt hơn. Điều này rất cần thiết phải thực hiện. Bạn hãy thực hiện với quyết tâm cao.
4.5. Đừng quá khắt khe với bản thân
Việc bạn luôn hoài niệm về những điều đã qua không phải là bất thường. Cũng như bạn sợ hãi sự cô đơn, sợ sẽ không ai yêu mình hoặc sợ không tìm được người nào mình có thể yêu như người trước đều là điều rất dễ hiểu. Bạn hãy bước từng bước một để dần thoát khỏi những suy nghĩ đau buồn và tiêu cực đó.
4.6. Tập trung vào chính mình
Việc bạn đổ lỗi cho người kia chỉ càng chứng tỏ họ đúng là người “mạnh” hơn. Và, chính bạn sẽ mất đi phần năng lượng đáng lẽ bạn dùng để vượt qua khó khăn hiện tại, tiến về phía trước. Vậy nên, đừng đỗ lỗi cho ai khác. Dành thời gian tập trung vào chính mình, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ phải làm và có thể làm.
4.7. Xây dựng và củng cố lại vị thế của mình
Bạn hãy xét lại để hiểu rõ làm thế nào bản thân lại rơi vào tình thế mà bạn từ bỏ quyền kiểm soát của mình. Sau đó, bạn hãy dành thời gian củng cố lại bản thân để đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa.
Việc nhận ra bản thân đang ở trong mối quan hệ độc hại không phải là điều dễ dàng. Và, hành động để thoát khỏi nó còn khó khăn hơn nhiều. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, bạn sẽ rất dễ bị mắc kẹt trong dòng suy nghĩ nên đi hay ở của mình, hoặc lo sợ về sự thay đổi. Bạn hãy dũng cảm đối diện với chính bản thân. Hãy dũng cảm tìm kiếm và nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để tìm ra hướng đi tích cực nhất cho mình nhé.
BBT HappyMind.VN tổng hợp
Nguồn tham khảo chính:
1. What are the warning signs of a toxic relationship, Relationshipsnsw.org.au
https://www.relationshipsnsw.org.au/blog/warning-signs-of-toxic-relationships/