Trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần rất phổ biến hiện nay. Đây là tình trạng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người, đặc biệt khi người đó không được chia sẻ trong gia đình hay không được giúp đỡ, hỗ trợ về y tế. Vấn đề ở đây là nhiều người không ý thức được mức độ trầm cảm mà bản thân mắc phải. Hoặc, họ không được người thân quan tâm một cách đúng mức, đúng cách để khuyến khích họ tham gia điều trị nhằm cải thiện tình hình. Nhưng cách nói chuyện với người trầm cảm như thế nào để thể hiện được thiện chí của bạn, chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể nhé.
1. Để biết cách nói chuyện với người trầm cảm, cần hiểu về chứng rối loạn này
Để nói chuyện được với người trầm cảm, bạn cần hiểu chứng rối loạn này
Nếu bạn muốn có cách nói chuyện với người trầm cảm phù hợp, trước tiên bạn cần hiểu về chứng rối loạn này.
Trầm cảm là một trong những chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất thế giới. Tính đến nghiên cứu năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 5% người trưởng thành trên toàn thế giới đang sống chung với chứng trầm cảm.
Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần gây ra cảm giác lo lắng, buồn bã và mất hứng thú một cách dai dẳng. Nó không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán thoáng qua mà có thể ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận, suy nghĩ và hành xử, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về cảm xúc và cả thể chất. Người bị trầm cảm sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi họ có thể thấy cuộc sống không đáng sống.
Chứng rối loạn này ảnh hưởng khá tiêu cực đến cuộc sống của người mắc nó, nhưng việc biết cách nói chuyện với họ là một sự hỗ trợ tuyệt vời.
Để biết cách nói chuyện với người bị trầm cảm, bạn cần hiểu về chứng rối loạn này. Ảnh Pixabayi
Sự hỗ trợ của gia đình, xã hội rất quan trọng và có ích cho người bị trầm cảm
Dù việc tiếp cận với người bị trầm cảm không thể chữa khỏi bệnh cho họ nhưng sự hỗ trợ từ xã hội có thể nhắc họ rằng họ không đơn độc. Đây là điều cực kỳ hữu ích đối với người đang trong cơn khủng hoảng.
Ngay cả khoa học cũng đã ủng hộ tầm quan trọng của sự hỗ trợ xã hội. Một số nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy khả năng bị trầm cảm đã giảm bớt khi có các kết nối xã hội chất lượng cao. Trong đó, sự giúp đỡ từ gia đình có yếu tố bảo vệ chống lại trầm cảm và lo lắng. Sự chia sẻ từ người xung quanh cũng có thể giúp người bị trầm cảm tìm đến việc điều trị với các bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý. Nhờ vậy tình trạng bệnh của họ sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.
2. Cách nói chuyện với người trầm cảm
Mặc dù sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân sẽ giúp ích rất nhiều nhưng cách nói chuyện với người trầm cảm mới là yếu tố quyết định được hiệu quả của thiện chí muốn giúp đỡ. Một số câu hỏi và cách nói sau có thể hữu ích nếu bạn nhận thấy người quen, người thân đang có dấu hiệu trầm cảm và muốn giúp họ:
2.1. Cậu có muốn nói về nó không, mình sẽ luôn lắng nghe
Bạn không thể ép ai đó nói chuyện nhưng việc biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe có thể thực sự giúp họ cảm thấy được hỗ trợ.
Nếu họ không muốn đề cập đến tình trạng trầm cảm của mình, bạn có thể đề cập đến việc bạn nhận thấy họ đang gặp khó khăn và nếu họ muốn trò chuyện, bạn sẽ luôn sẵn sàng nghe họ bất cứ lúc nào. Đừng chỉ hỏi “Bạn ổn chứ?”, chắc chắn họ sẽ chỉ trả lời một cách đối phó “Tôi ổn”.
Lắng nghe và chia sẻ rất có ích cho người bị trầm cảm. Ảnh Pixabay
2.2. Mình có thể làm gì để giúp cậu ngày hôm nay?
Đề nghị được giúp đỡ một việc gì đó cụ thể trong ngày là sự giúp đỡ thiết thực nhất đối với người bị trầm cảm. Vì trong tình trạng này, họ thường mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống không ngon và mất động lực. Thậm chí, với người trầm cảm, ngay cả việc ra khỏi giường cũng khó khăn.
Một hành động đơn giản như nấu giúp bữa tối, gọi điện hoặc nhắn tin để nhắc giờ đi làm. Hoặc, bạn đưa họ đến điểm hẹn (với người nào đó) cũng có thể giúp người bị trầm cảm vượt qua một ngày dễ dàng hơn.
2.3. Mọi thứ đang diễn ra như thế nào? Cậu thấy mọi thứ có cải thiện chứ?
Hỏi về những thứ đang thực sự diễn ra và cảm nhận của người trong cuộc sẽ giúp bạn biết được thông tin chi tiết về tình trạng của họ. Nếu họ đang trong quá trình điều trị, bạn có thể đánh giá được họ cần thêm sự trợ giúp về chuyên môn hay không. Nếu họ chưa tìm đến các liệu pháp điều trị, bạn có thể khuyến khích họ thực hiện càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là bạn nhấn mạnh việc họ yêu cầu sự giúp đỡ chứng tỏ họ là người rất mạnh mẽ, dám đối diện với vấn đề của mình. Điều này sẽ giúp người bị trầm cảm không suy nghĩ theo hướng mình là người yếu đuối.
Khi hỏi xem việc điều trị diễn ra thế nào, bạn đang khuyến khích đối tượng kiên trì với kế hoạch trị liệu. Bạn cũng có thể cho họ biết khi bạn nhận thấy sự cải thiện. Điều này sẽ giúp xác nhận rằng mọi thứ đang hoạt động tốt, tạo thêm động lực để họ tiếp tục điều trị được hiệu quả hơn.
Khuyến khích để tạo thêm động lực cho người bị trầm cảm. Ảnh Pixabay
2.4. Cậu không đơn độc
Trầm cảm khiến người ta cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập. Vì vậy, việc giúp người bị trầm cảm thấy rằng họ không đơn độc là điều vô cùng ý nghĩa. Dù bạn không có trải nghiệm tương tự, hoặc đã từng trải qua tình trạng này, thì việc ở bên cạnh một người bị trầm cảm, lắng nghe họ sẽ động viên họ rất nhiều.
2.5. Cậu rất quan trọng đối với mình
Thật tuyệt khi biết bạn được yêu thương, nhưng đối với người trầm cảm, họ lại cảm thấy hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, nói cho người bị trầm cảm biết họ quan trọng với bạn và bạn cần họ trong cuộc sống như thế nào sẽ khiến họ thấy được an ủi rất nhiều. Bạn có thể đề cập cụ thể những điều bạn yêu thích ở họ hoặc trân trọng những việc họ đã làm.
2.6. Chắc chắn tình trạng này đang gây nhiều khó khăn cho cậu và cậu làm cách nào để đối phó với chúng?
Mục đích của câu hỏi này là để thể hiện bạn nhận thức được mọi việc khó khăn với người đang bị trầm cảm như thế nào. Đây cũng là lời nhắc khéo léo với họ rằng bạn đang lắng nghe và sẵn sàng giúp họ đối phó với tình trạng của mình.
Khéo léo nói với người bị trầm cảm rằng bạn đang lắng nghe và sẵn sàng giúp họ đối với tình trạng họ đang phải trải qua. Ảnh Pixabay
3. Những điều cần tránh trong cách nói chuyện với người trầm cảm
Có một số điều hoặc phương thức bạn rất cần tránh trong cách nói chuyện với người trầm cảm, ví dụ như:
Sử dụng ngôn ngữ có tính phán xét hay buộc tội
Đi cùng người khác đến buổi hẹn riêng của bạn với họ
Dùng cách nói có tính khiêu khích hay phòng thủ
Tự chẩn đoán tình trạng của họ hay cố sửa chữa vấn đề
Tránh dùng những câu nói sáo rỗng hoặc không phù hợp như:
Hãy nghĩ đến những điều vui vẻ đi. Mình không hiểu tại sao cậu lại cứ u sầu như vậy
Mọi thứ sẽ ổn thôi, mình hứa đấy
Mình đã cắt giảm đường trong chế độ ăn và mình thấy cực kỳ ổn. Cậu cũng nên thử đi
Cậu chỉ cần thoát khỏi việc này là ổn
Ôi đầy người ngoài kia còn khổ hơn cậu đấy
Bản thân tình trạng trầm cảm đã khiến người mắc nó đủ đau buồn, lo lắng, thất vọng và không còn hứng thú với nhiều thứ xung quanh. Nên, họ sẽ không cần thêm những câu nói vô ý khiến cho tâm trạng của họ tệ thêm.
Trên thực tế, không có cách nói chuyện với người trầm cảm hoàn hảo. Lời nói của chúng ta không thể chữa lành cho họ, nhưng chúng có thể giúp họ biết rằng vẫn còn hy vọng, vẫn còn những người thực sự quan tâm đến họ. Điều này sẽ đem lại động lực để giúp họ tích cực hơn trong việc điều trị.
BBT HappyMind.VN tổng hợp
Nguồn tham khảo:
1.Jamie Elmer,What to say to someone with depression, Healthline.com
https://www.healthline.com/health/what-to-say-to-someone-with-depression#what-not-to-say-to-someone-with-depression
2. How and when to start a conversation with a struggling friend, Jedfoundation.org
https://jedfoundation.org/resource/how-and-when-to-start-a-conversation-with-a-struggling-friend/